Giải pháp nào để ngăn chặn tội phạm nghiêm trọng?
Mở đầu phiên chất vấn, Trung tướng Đoàn Duy Khương đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Duy Hoàng Dương và Đoàn Việt Cường, về những giải pháp phòng ngừa tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng "ngáo đá", tâm thần, đối tượng là người ngoại tỉnh... gây án nghiêm trọng trong thời gian qua.
Giám đốc Công an thành phố phân tích, trước hết cần nhận thức đúng thế nào là phòng ngừa xã hội và thế nào là phòng ngừa nghiệp vụ. "Chúng tôi thường có cụm từ “gắn phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ trong phòng chống tội phạm”.
Đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự được cơ quan Công an đang quản lý, theo dõi di biến động, sẽ được xếp vào diện phòng ngừa nghiệp vụ; còn các mâu thuẫn trong xã hội do bộc phát, hoặc mâu thuẫn diễn biến có thời gian được gọi là phòng ngừa xã hội", Trung tướng Đoàn Duy Khương chia sẻ và đánh giá, vụ trọng án xảy ra ở huyện Đan Phượng vừa qua là điển hình phòng ngừa xã hội yếu kém, trong đó có trách nhiệm của lực lượng Công an, nhất là công an cơ sở.
Trung tướng Đoàn Duy Khương cũng thông tin, qua vụ việc, CATP đã yêu cầu Công an huyện Đan Phượng, đặc biệt là cán bộ đội Cảnh sát hình sự, công an phụ trách khu vực kiểm điểm bởi mâu thuẫn giữa đối tượng gây án và các nạn nhân không phải bột phát mà đã diễn ra trong thời gian dài.
"Vậy trách nhiệm nòng cốt về tham mưu của lực lượng Công an ở đâu? Tôi không đổ trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đảm bảo ANTT phải là của toàn đảng, toàn quân, toàn dân. Vậy mâu thuẫn như thế thì tổ hòa giải ở đâu, vai trò chỉ đạo của mặt trận thế nào; hội phụ nữ, thanh niên ở đâu…?
Trách nhiệm là của cả hệ thống cơ sở, nhưng dù sao chúng tôi cũng thấy trách nhiệm của mình với vai trò nòng cốt trong việc tham mưu và tổ chức triển khai phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ chưa hiệu quả”, Trung tướng Đoàn Duy Khương nhìn nhận trách nhiệm.
Cũng theo Giám đốc CATP, với các đối tượng “ngáo đá”, “ngáo rượu”, vào tháng 8-2016, Công an thành phố đã tổ chức 3 cuộc hội thảo để đưa ra khái niệm thế nào là “ngáo đá”, bởi thực tế từ này đang được “mượn” từ của chính người nghiện.
Từ việc làm rõ được nội hàm của “ngáo đá”, Công an thành phố đã chỉ đạo công an các quận huyện thị xã, lực lượng công an cơ sở khảo sát, rà soát, lên danh sách các trường hợp “ngáo đá” để có biện pháp quản lý. Tính đến tháng 8-2016, toàn thành phố có 257 đối tượng “ngáo đá”, được lực lượngCcông an quyết tâm đưa đi cai nghiện.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Công an thành phố, việc này hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc do các quy định pháp lý bởi chỉ khi gia đình tự nguyện đưa đi mới giải quyết được.
Tương tự, việc xử lý đối tượng tâm thần cũng rất khó khăn vì đưa vào điều trị phải có kinh phí. Chính quyền không thể đủ tiền, gia đình phải có trách nhiệm, nhưng nhiều gia đình không có tiền, vào bệnh viện vào vài tháng hết tiền cũng phải ra…
Giám đốc Công an TP đề nghị UBND TP kiến nghị HĐND TP có khoản kinh phí về an sinh xã hội để đảm bảo người dân có quyền được sống trong an ninh an toàn. Ngoài các giải pháp của lực lượng Công an rất cần giải pháp của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền.
Để phòng ngừa, quản lý tội phạm ngoại tỉnh, Trung tướng Đoàn Duy Khương nêu, với những người ngoại tỉnh về Hà Nội chưa có tiền án, tiền sự sẽ phải tổ chức nắm tình hình thông qua nắm hộ, nắm người, quản lý tạm trú tạm vắng. Công an thành phố Hà Nội, vào dịp cuối năm, đều tổ chức tổng kiểm tra nhân khẩu. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để phát hiện đối tượng ngoại tỉnh vào Hà Nội gây án.
Xử lý nghiêm tội phạm xâm hại trẻ em
Tham gia chất vấn, Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân đề nghị Giám đốc CATP cho biết nguyên nhân tội phạm ma túy tăng trong năm 2019. Đại biểu Hoàng Huy Được chất vấn về nội dung xâm hại tình dục trẻ em. Đại biểu Phạm Thanh Hương đặt câu hỏi về trách nhiệm của địa phương và lực lượng Công an khi tội phạm, tệ nạn ma túy trong quán bar, karaoke, vũ trường ngày càng tăng theo chiều hướng phức tạp.
Giải trình, làm rõ các nội dung trên, Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết, liên quan đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em, từ việc thông tin tuyên truyền cần thận trọng, hạn chế vì phải nghĩ đến tương lai các cháu sau này. Việc xâm hại tình dục không chỉ diễn ra với trẻ nữ mà còn với trẻ nam.
"CATP Hà Nội đã có Kế hoạch 82 nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, người chưa thành niên, phòng chống bạo lực gia đình. CATP đã chỉ đạo công an các quận, huyện tập trung có giải pháp trọng tâm hiệu quả" - Trung tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh, và khẳng định, quan điểm của các cơ quan tố tụng thành phố luôn xử lý nghiêm khắc với loại tội phạm này.
Về tình trạng sử dụng ma túy trên địa bàn, theo Trung tướng Đoàn Duy Khương, toàn Thành phố có hơn 12.800 người nghiện ma túy; đây là "nguồn" tội phạm, là vấn đề nhức nhối. “Giải pháp quan trọng là phải tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, mỗi gia đình nhất là nhà có con em nghiện, đại biểu ở khu vực dân cư có người nghiện cần chung tay cùng lực lượng chức năng tiến hành các giải pháp đồng bộ để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm” – Trung tướng Đoàn Duy Khương nhìn nhận và cho biết, thời gian qua, CATP thường xuyên mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn ma túy; qua đó bóc gỡ, triệt xóa, bắt giữ được nhiều điểm, tụ điểm, đối tượng phức tạp, được nhân dân đánh giá cao.