Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ đợt 5 đã chọn và đề nghị tặng giải thưởng cho 16 công trình/cụm công trình. Trong đó, có cụm công trình "Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 mét nước phù hợp với điều kiện Việt Nam" của kỹ sư Phan Tử Giang (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí-PV Shipyard) và 16 đồng tác giả.
Thực hiện từ tháng 8/2009 đến 6/2012 với trị giá 180 triệu USD, công trình được đánh giá là có độ khó và phức tạp cao, quy mô lớn, một số công nghệ chỉ vài công ty trên thế giới sở hữu và lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Sản phẩm đã đưa vào khai thác thăm dò và vận hành ổn định thời gian vừa qua.
Khi kỹ sư Phan Tử Giang cùng đồng nghiệp bắt tay vào việc thiết kế giàn khoan tự nâng 90 mét nước, nhiều người không tin họ có thể làm được. Tuy nhiên, với tính cách thích đối đấu với thử thách, kỹ sư Giang vẫn kiên định động viên các thành viên khác tiếp tục công việc.
"Các kế hoạch được chuẩn bị kỹ, đúng hướng và trình độ kỹ sư đồng bộ có trình độ, tôi tin nhóm nghiên cứu sẽ thành công", ông Giang nói và cho biết tuổi trung bình của đội thiết kế lúc đó là 28.
Với chiều cao chân giàn là 145 m, Tam Đảo 3 có thể hoạt động ở vùng nước sâu tới 90 m cùng với hệ thống khoan sâu tới 6.100 m dưới đáy biển. Đây là giàn khoan tự nâng đầu tiên chế tạo tại Việt Nam.
Bước đệm tạo cho Tam Đảo 5
Sau thành công của giàn khoan Tam Đảo 3, nhóm tiếp tục chế tạo giàn khoan tự nâng 120 mét nước (Tam Đảo 5) với trị giá 230 triệu USD. Dự án thực hiện từ tháng 12/2013 và mới bàn giàn cho chủ đầu tư trong năm 2016.
Tam Đảo 5 là giàn khoan lớn nhất từ trước đến nay. So với Tam Đảo 3, giàn khoan này có khối lượng gấp 1,5 lần, giá thành thấp hơn 20%.
Trong khi với Tam Đảo 3, dự án phải thuê 6 chuyên gia nước ngoài đứng đầu các phần thiết kế và 5 người phụ trách phân đoạn thiết kế (làm việc 43.000 giờ), đến Tam Đảo 5 chỉ thuê 2 chuyên gia phụ trách trong 7-8 tháng (làm việc 11.000 giờ). Đặc biệt tỷ lệ nội địa hóa ở Tam Đảo 5 lên đến 39% (tương đương 76 triệu USD), còn Tam Đảo 3 là 34% (63 triệu USD).
So với các nước trong khu vực châu Á, chất lượng giàn khoan Tam Đảo 3 tương đương về chất lượng và thời gian, nhưng chi phí Việt Nam nhỉnh hơn Singapore khoảng 1-2% và chưa cạnh tranh với thị trường Trung Quốc. Đến Tam Đảo 5, chi phí sản xuất giàn khoan tại Việt Nam bằng Trung Quốc.