Phân bổ kế hoạch đầu tư vốn không để xảy ra tiêu cực
Phó Thủ tướng yêu cầu căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được giao, Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún, chia cắt, không để xảy ra tiêu cực, tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội số 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, số 105/2023/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong phạm vi tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ tự ưu tiên như sau: Bố trí đủ vốn để thanh toán toàn bộ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của pháp luật (nếu có); bố trí đủ vốn để thu hồi số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trường hợp đã thu hồi hết số vốn ứng trước phải thu hồi trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phép bố trí vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí theo quy định.
Nguyên tắc ưu tiên tiếp theo là bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024; bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn nhà nước tham gia vào các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, bố trí đủ các khoản nợ đến hạn năm 2024 thuộc nghĩa vụ thanh toán của ngân sách trung ương; bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2024 theo thời gian bố trí vốn; bố trí vốn cho các nhiệm vụ cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bố trí vốn để hoàn trả cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hoàn thành các dự án theo đúng các Nghị quyết số 43/2022/QH15 và số 93/2023/QH15; bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt để hoàn thành dự án.
Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã đủ thủ tục đầu tư; mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ đi lũy kế dự kiến giải ngân vốn đến hết năm 2023 và không vượt quá số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trừ đi số vốn đã giải ngân trong năm 2021, năm 2022 (bao gồm giải ngân vốn kéo dài hằng năm) và số vốn đã bố trí năm 2023; mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân trong năm 2024.
Ngoài các nguyên tắc nêu trên, các chương trình, dự án được bố trí kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2024 phải phù hợp với nội dung của Hiệp định, cam kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án, tiến độ thực hiện dự án và theo thứ tự ưu tiên như sau: Bố trí đủ vốn cho dự án kết thúc Hiệp định trong năm 2024, không có khả năng gia hạn Hiệp định, chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2024; bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt; bố trí vốn cho dự án khởi công mới đã ký Hiệp định và có khả năng giải ngân trong năm 2024.
Phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt đối thiểu 95% kế hoạch được giao
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có khả năng hấp thụ vốn, bảo đảm đúng quy định và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và báo cáo kết quả phân bổ, điều chỉnh trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công ngay khi có Quyết định điều chỉnh vốn giữa các dự án để tổng hợp theo dõi, kiểm soát việc giải ngân.
Cùng đó là đề cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của các cá nhân, đơn vị được giao với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án; kịp thời thay thế, điều chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao; phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt tối thiểu 95% kế hoạch được giao; tỷ lệ giải ngân là một trong các tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá, xếp loại cuối năm đối với cán bộ, công chức.
Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan liên quan khác về tính chính xác của thông tin số liệu của dự án, mức vốn phân bổ cho từng dự án theo quy định của pháp luật.