Tuy ông đã ra đi, nhưng những đóng góp của ông cũng như hình ảnh một vị giáo sư suốt đời tận tâm vì giáo dục nước nhà sẽ mãi được nhắc đến như một biểu tượng của toán học Việt Nam.
Từ cậu học trò nghèo giỏi văn…
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bố mất sớm từ năm lên 4, tuổi thơ Hoàng Tụy là những chuỗi ngày khó khăn khi một mình mẹ phải gánh trên vai cả chục miệng ăn.
Nhưng trời lại phú cho Hoàng Tụy trí thông minh hơn người. Ông lại có may mắn được học với những người thầy giỏi. Ngày tiểu học là các thầy Lê Trí Viễn (hiện là giáo sư văn học hàng đầu Việt Nam), thầy Khương Hữu Dụng (một nhà thơ nổi tiếng). Lên bậc trung học thì có thầy Hoài Thanh, Cao Xuân Huy. Dù chỉ là một học trò trường làng, Hoàng Tụy đã thi đỗ loại ưu vào trường Quốc học Huế, ngôi trường nổi tiếng nhất Trung kỳ lúc bấy giờ.
Ai cũng biết Giáo sư Hoàng Tuỵ là cây đại thụ lừng lững trong nghiệp toán, nhưng có lẽ không ít người bất ngờ khi biết rằng thời học sinh, ông lại là cậu học trò xuất sắc của nhà phê bình văn học số một Việt Nam – Hoài Thanh.
Trong khi bạn bè trong lớp chỉ mong được 6-7 điểm của thầy Thanh đã là may mắn thì điểm số của Hoàng Tuỵ luôn luôn là 8,5 điểm. Cũng vì giỏi môn văn nên khi học “nhảy cóc” tới hai lớp ở bậc trung học, Hoàng Tuỵ gần như không cần phải lo lắng gì môn học này mà chỉ tập trung học toán để đuổi kịp bạn bè.
Học văn rất giỏi nhưng sau một trận ốm thập tử nhất sinh, ông lại nhận ra mình ham mê toán và khát khao trở thành một nhà khoa học.
“Đang học Quốc học Huế, tôi bị ốm một trận nặng, liệt cả chân tay, mẹ tôi từng nghĩ tôi sẽ tàn tật suốt đời không chữa được. Đó là một năm rủi nhưng nó lại có một cái may. Nửa năm ốm ly bì, nửa năm hồi phục, trong nhà các anh tôi đi dạy nên có nhiều sách. Tôi lấy sách ra tự học và có thời gian để suy nghĩ về nhiều điều. Chính trong thời gian đó tôi tình yêu với toán và mơ ước làm khoa học”, giáo sư Hoàng Tụy chia sẻ.
… đến nhà toán học hàng đầu thế giới
Say mê toán học, Hoàng Tụy luôn tìm mọi cách để học toán. Năm 1947, ông tự học chương trình toán dành cho cử nhân. Năm 1949, được tin ở miền Bắc có tổ chức kỳ thi toán học đại cương, ông làm đơn dự thi và đỗ loại ưu.
Năm 1951, được tin có Lê Văn Thiêm, là tiến sĩ toán học đầu tiên ở Pháp về mở trường đại học ở Việt Bắc, ông quyết tâm ra Bắc để học. Với vài đồng bạc ít ỏi dắt lưng, ông đi Bộ từ Quảng Ngãi ra Việt Bắc, nhưng đến Thanh Hóa thì hết tiền. Hoàng Tụy xin dạy trường tư ở Thanh Hóa hai tháng để lấy tiền lộ phí, tiếp tục đi ra Việt Bắc. Nhưng tới Việt Bắc, ông được tin vì lý do chiến tranh, trường đại học không mở nữa. Kiểm tra kiến thức toán học của ông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn khi đó đã rất ngạc nhiên về trình độ của Hoàng Tụy. Ông lập tức được cử sang Nam Ninh, Trung Quốc, để dạy trường Trung cấp sư phạm của Việt Nam đặt nhờ trên đất bạn với lời nhắn nhủ: bên đó có Lê Văn Thiêm. Hoàng Tụy lên đường sang Nam Ninh, nhưng không phải để làm học trò như kế hoạch ban đầu, mà trở thành đồng nghiệp của tiến sĩ Lê Văn Thiêm.
Để khám phá thêm tri thức về toán học, ông tự học tiếng Nga. Cách học của Hoàng Tụy cũng rất đặc biệt. Thay vì mua các sách dạy tiếng Nga, ông chỉ mua duy nhất một quyển tiếng Nga giao tiếp để đọc văn phạm. Ông học tiếng Nga trực tiếp bằng sách toán. Chỉ trong vài tháng, ông đã có thể tự đọc sách toán bằng tiếng Nga.
Năm 1959, ông trở thành một trong hai người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công tiến sĩ toán học tại Liên bang Xô Viết. Năm 1964, với việc tìm ra cách giải một trong những bài toán cơ bản nhất của tối ưu toàn cục: Bài toán tìm cực tiểu một hàm lõm trên một tập đa diện lồi giới nội, với phương pháp lát cắt đơn giản, Hoàng Tụy đã chính thức trở thành cái tên nổi tiếng quốc tế, khi đây tối ưu toàn cục khi đó vẫn là một thách thức với các nhà toán học thế giới. Phương pháp do Hoàng Tụy đề xuất về sau được giới toán học quốc tế gọi là “lát cắt Tụy” (Tuy’s cut), trở thành một kết quả kinh điển và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết Tối ưu toàn cục. Hoàng Tụy được coi là nhà toán học khai sơn phá thạch, mở đường cho một chuyên ngành toán học mới, là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”.
Nhiều phát minh đặc sắc của ông về sau được giới toán học quốc tế gọi là Thuật toán kiểu Tụy, Điều kiện không tương thích Tụy... Cuốn sách “Tối ưu toàn cục tiếp cận xác định” mà giáo sư Hoàng Tụy viết chung với giáo sư Reiner Horst được đánh giá là cuốn “kinh thánh” của chuyên ngành tối ưu toàn cục.
Từ năm 1980 đến 1990, ông là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đưa Viện Toán trở thành một trong những viện nghiên cứu nổi tiếng trong các nước thế giới thứ ba. Năm 1996, ông vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Năm 2011, ông vinh dự là người đầu tiên nhận được giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng, để tri ân những đóng góp tiên phong của ông cho ngành toán tối ưu toàn cục.
Ông đã ra đi, nhưng những đóng góp của Giáo sư Hoàng Tụy cho nền toán học quốc tế cũng như toán học Việt Nam sẽ mãi được nhắc đến. Vị Giáo sư ấy mãi là cây đại thụ tỏa bóng, là niềm tự hào của toán học Việt Nam, dân tộc Việt Nam.