Cụ thể, trong đơn gửi UBND huyện Hoằng Hóa cũng như Phòng Giáo dục huyện này, cô giáo Bùi Thị Nhàn (SN 1980) cho biết: “Tôi là giáo viên đã công tác 12 năm trong ngành giáo dục và hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Hoằng Thái. Trong thời gian qua với nhiệm vụ được phân công là giáo viên chủ nhiệm tôi đã cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, thời gian gần đây kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn nên tôi phải đi tìm việc làm thêm bên ngoài để trang trải cuộc sống. Đến nay công việc đó đã giúp kinh tế gia đình tôi ổn định và phát triển tốt. Công việc mới này lại chiếm khá nhiều thời gian và cùng lúc tôi không thể làm tốt cả hai công việc.
Vì vậy tôi viết đơn này mong UBND huyện Hoằng Hóa, Phòng Giáo dục xem xét và tạo điều kiện cho tôi được nghỉ việc để toàn tâm với công việc mới”. Cuối lá đơn này cũng đã có xác nhận của hiệu trưởng trường Tiểu học Hoằng Thái với mong muốn “cấp trên xem xét giải quyết cho giáo viên”.
Ngay sau lá đơn của giáo viên này xuất hiện đã thi hút sự quan tâm của rất nhiều người. Một giáo viên tại Hà Nội cho hay: “Sự thật trần trụi quá, đọc lá đơn của đồng nghiệp mà xót xa.
Nhưng một thực tế mà ít ai nhìn thấy là đã từ lâu rồi giáo viên khó sống được bằng đồng lương ít ỏi của mình. Trong khi đó, thời gian cho công việc lại nhiều, công tác chủ nhiệm, các loại giấy tờ đã chiếm mất gần nửa thời gian trong ngày.
Lương giáo viên còn rất thấp, có những thầy cô gần 20 năm trong nghề những vẫn là giáo viên hợp đồng với mức lương 2-3 triệu/tháng. Điều này dẫn đến giáo viên giảm động lực với công việc của mình, bởi đồng lương chính từ nghề giáo còn không đủ nuôi sống bản thân chứ đừng nói đến gia đình”.
Cô Lê Thị Loan – Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: “Giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu nhưng thực tế những người được giao nhiệm vụ cao cả trồng người đang phải “gồng mình” sống bằng đồng lương thấp dưới đáy của xã hội. Phải vất vả với những nghề tay trái khác nhau để duy trì cuộc sống cũng là việc nhiều người phải suy nghĩ.
Khi người thầy của chúng ta còn phải chạy ăn từng bữa, thiếu trước hụt sau thì khó có thể dành hết tâm huyết trong từng bài giảng. Đòi hỏi về một mức lương tương xứng để có thể vơi bớt nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền. Để chuyên tâm vào dạy dỗ học trò là điều thực sự chính đáng, thiết thực.
Tôi nghĩ rằng chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ được nâng lên nếu một ngày nào đó người thầy được đứng trên bục giảng dạy học bằng tất cả tâm huyết mà không còn vướng bận với nỗi băn khoăn về cơm, áo, gạo tiền.
Còn như bây giờ khi mà ngành giáo dục còn chưa lo nổi cho nhân viên ngành mình một mức lương đủ sống để lao động, cống hiến thì những lá đơn xin ra khỏi ngành của thầy cô giáo sẽ còn là nỗi trăn trở kéo dài...”