Đó là quy định mới trong Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ kí ban hành.
Theo đó, thời gian qua, Bộ GDĐT đã triển khai các biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường nhưng đến nay vẫn còn tình trạng giáo viên phải sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường. Điều này làm mất nhiều công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của giáo viên, Bộ GDĐT nhận định.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu giám đốc sở GDĐT, trưởng phòng GDĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định.
Giáo viên được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Từng bước sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay cho các loại hồ sơ, sổ sách hiện hành theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên.
Điều này giải toả phần nào những mong muốn của cô giáo Vũ Thị Anh - giáo viên Trường Mầm non Vô Tranh 1 (Vô Tranh, Lục Nam, Bắc Giang). Nữ giáo viên kì vọng việc giảm bớt các sổ sách hành chính để chuyên tâm cho công việc chăm sóc trẻ.
Bà Phạm Thái Lê - giáo viên tổ Ngữ văn Trường Marie Curie Hà Nội - bày tỏ vui mừng khi Bộ đã có động thái nhằm giảm bớt áp lực cho giáo viên.
Bà Lê thẳng thắn bày tỏ: “Giáo viên có cần phải ngồi chép danh sách học sinh, giáo viên vào sổ khi đã có danh sách in ra trong tay? Có cần ghi lại điểm khảo sát khi đã có ở sổ điểm điện tử? Và tôi hỏi thật, khi thanh tra về, bạn có ngồi cần mẫn lấp đầy các trang chỉ để cho đủ, cho đẹp hồ sơ hay không? Tôi thực sự thấy xấu hổ cho sự giả dối này. Người chép giả dối. Người kiểm tra giả dối".
Tuy vậy, bà Lê bày tỏ Bộ GDĐT tiếp tục cắt giảm thêm hồ sơ, sổ sách trong quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường bởi vẫn còn những điều chưa thực chất.