Chuyện từ một tỉnh nghèo
Vốn là một trong số những tỉnh nghèo nhất nước, và chỉ số năng lực cạnh tranh thấp ở mức xếp hạng thứ 60/63 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng ít ai ngờ rằng, vào một ngày cuối tháng 7 vừa qua, Bắc Cạn đã thực hiện hình thức đấu thầu mới cho một gói thầu trị giá 260 triệu đồng của Trung tâm điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh. Điều đặc biệt ở chỗ, đây là gói thầu điện tử đầu tiên. Chỉ trong tích tắc, thông tin này nằm ngay trên fanpage Hệ thống mạng Đấu thầu quốc gia.
Tại sao một tỉnh miền núi lại mạnh dạn quyết định đi theo con đường minh bạch trong mua sắm công? Cái gốc của vấn đề chính là lãnh đạo tỉnh đang muốn thúc đẩy tăng trưởng thông qua việc tạo nên môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả.
Tuy nhiên, câu chuyện tích cực như trên vẫn đang là thiểu số. Một con số thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 8% các gói thầu buộc phải đấu thầu qua mạng được các tỉnh chủ động tham gia theo hình thức này trong sáu tháng đầu năm 2017. Một tỷ lệ quá thấp nếu so với lộ trình sẽ có 30% gói chào hàng cạnh tranh, 15% gói đấu thầu rộng rãi quy mô nhỏ phải làm qua mạng trong năm 2017.
Không ai phủ nhận tính hữu ích và văn minh của hình thức đấu thầu qua mạng, vậy tại sao nhiều nơi lại né tránh thực hiện? Có một số lý do thông thường được các nhà thầu hay nhà cung cấp viện dẫn ra như, chưa thể quen với hình thức đấu thầu qua mạng, rồi Hệ thống mạng Đấu thầu quốc gia còn nhiều rào cản kỹ thuật và chưa có mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng cho lĩnh vực xây lắp... Họ thà chấp nhận các gánh nặng thủ tục hành chính trong đấu thầu hiện tại, hơn là tham gia sòng phẳng qua mạng, không còn “khoảng mờ” cho những phân chia lợi ích.
Mức tỷ lệ 8% còn phản ánh một hiện trạng, quyết tâm chính trị trong triển khai hình thức đấu thầu qua mạng của người đứng đầu đơn vị chưa cao, và sự khiếm khuyết của chế tài xử lý.
Cần có chiến lược để đấu thầu minh bạch
Không thể phủ nhận thực tế, các quốc gia hiện nay liên tục hiện đại hóa hệ thống mua sắm công, thậm chí là cạnh tranh nhau trong quá trình tiếp cận công nghệ hiện đại nhất để hiện đại hóa, trong đó bao gồm áp dụng các phương tiện điện tử. Đấu thầu qua mạng là phương thức kinh doanh mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và việc áp dụng luôn được coi là một ưu tiên trong cải cách đấu thầu mua sắm công ở nhiều quốc gia đang phát triển. Thực tiễn cũng đã xác nhận rằng, điều đó góp phần vào việc tạo dựng hệ thống mua sắm công minh bạch và hiệu quả.
Hơn nữa, đây cũng là một xu thế không thể đảo ngược, các tổ chức tài chính quốc tế đều có chính sách mới để khuyến khích việc đấu thầu qua mạng. Đơn cử như, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng đấu thầu qua mạng cho tất cả các gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB), trong đó một số gói thầu có thể có giá trị trên 5 hoặc 10 triệu USD.
Việc Việt Nam tích cực tham gia “Sáng kiến về hợp đồng công khai” do Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về công khai hợp đồng và WB triển khai là minh chứng cho nỗ lực bảo đảm tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch nhằm thu hút các nhà thầu trong và ngoài nước có năng lực tham gia cung cấp hàng hóa, dịch vụ…
Trong một động thái có liên quan, đầu tháng 8-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư, bên mời thầu nghiêm túc thực hiện công khai thông tin trong đấu thầu và thực hiện lộ trình đấu thầu qua mạng theo quy định.
Trong lúc chờ đợi Thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được ban hành và hệ thống giám sát, thống kê công tác đấu thầu, hệ thống danh mục sản phẩm điện tử (e-catalogue) ra đời thì rất nhiều nỗ lực âm thầm đã được thực thi để cải thiện Hệ thống Đấu thầu qua mạng quốc gia ổn định và thân thiện hơn với người sử dụng.
Rõ ràng, để tạo thêm sân chơi công bằng và minh bạch, một mặt vừa phải áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để đáp ứng yêu cầu của hình thức mới, song mặt khác lại rất cần một chiến lược truyền thông toàn diện để đưa các bên liên quan tiếp cận đấu thầu qua mạng. Đối tượng tham gia hình thức này khá đa dạng, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, người dân khu vực thực hiện dự án, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu tư vấn xây dựng ... vậy nên thách thức sẽ còn rất lớn. Ở đây xét đến cùng vẫn là quyết tâm chính trị của người đứng đầu tổ chức, đơn vị, bởi một tỉnh nghèo như Bắc Cạn còn mạnh dạn đi đầu, thì lý gì những địa phương khác lại vẫn thờ ơ!?
Khái niệm “đấu thầu” đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam, còn khá mới mẻ khi chỉ mới hiện diện từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX.
Đấu thầu qua mạng là việc tin học hóa các bước trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đấu thầu, công khai thông tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu.
Theo Nhân dân