Hà mã: Di sản nhức nhối của trùm ma túy Escobar

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) - Vào những năm 1980, trùm ma túy Pablo Escobar đã mua 4 con hà mã về nuôi làm cảnh. Giờ đây, khi di sản của Escobar ngoài những giai thoại về ma túy và quyền lực, còn có hàng chục con hà mã sinh sống trong các vùng đất ngập nước phía bắc thủ đô Bogota, gây ra nhiều thiệt hại cho người dân địa phương.

Hà mã: Di sản nhức nhối của trùm ma túy Escobar

Vào năm 2013, khi hậu duệ của 4 con hà mã đầu tiên sinh sôi vượt khỏi tầm kiểm soát và phá phách hoa màu của người nông dân, các nhà chức trách đã buộc phải mở chiến dịch săn lùng và thiến những con đực.

Nhưng truy tìm từng con hà mã, vốn là động vật to lớn, lại hết sức khó khăn bởi chúng thường xuyên ẩn nấp trong các đầm lầy và hồ nước. Sau đó, các chuyên gia sẽ phải tiếp cận và đánh thuốc mê liều cao nhằm đảm bảo an toàn bởi hà mã là một loài vật rất dữ tợn.

“Khi đó mọi chuyện thật kinh khủng. Bạn không thể chỉ lên Google và tìm giải đáp câu hỏi: Làm thế nào để xử lý một con hà mã", ông David Echeverri Lopez, người dẫn đầu nhóm săn lùng hà mã, hồi tưởng.

Hà mã: Di sản nhức nhối của trùm ma túy Escobar ảnh 1

Một con hà mã tên Orion được làm thủ thuật nha khoa tại Vườn thú Santa Fe. Orion là hậu duệ của 4 con hà mã của trùm ma túy Pablo Escobar. Ảnh: AFP

Với các nhà khoa học, hà mã là một mối đe dọa sinh thái, cạnh tranh với các động vật hoang dã bản địa và gây ô nhiễm nguồn nước địa phương. Đã có không ít vụ hà mã đụng độ với người nông dân Colombia.

Một dự báo cho biết quần thể hà mã tại Colombia sẽ tăng lên gần 1.500 cá thể vào năm 2040. Khi đó, tác động môi trường của loài vật này sẽ không thể đảo ngược và con người sẽ trở nên mất kiểm soát dân số hà mã.

Bài toán nan giải

Khi Escorbar chết vào năm 1993, các nhà chức trách Colombia đã phá dỡ khu đất rộng lớn của trùm ma túy này. Phần lớn các loài thú hoang dã mà Escorbar nuôi đều được chuyển tới các sở thú, duy chỉ có đàn hà mã, bao gồm 3 con cái và 1 con đực, lại được phóng thích ra tự nhiên.

Họ không ngờ đây là sai lầm tai hại gây ảnh hưởng cho tới tận ngày nay. Trong môi trường sống tự nhiên ở châu Phi, hà mã phải trải qua mùa khô kéo dài cũng như cạnh tranh nguồn nước với các loài thú ăn thịt khác, chưa kể là chính đồng loại của mình.

"Nhưng Colombia lại là thiên đường của hà mã", ông Echeverri nói. "Nơi đây có lượng mưa nhiều, thức ăn dồi dào và không có loài ăn thịt nào đủ lớn để đe dọa chúng. Những con vật này dành 5 giờ mỗi ngày để gặm cỏ và thời gian còn lại của chúng ngâm mình trong làn nước mát của sông Magdalena và các hồ xung quanh".

Hà mã: Di sản nhức nhối của trùm ma túy Escobar ảnh 2

Một con hà mã kiếm ăn tại một trang trại ở ngoại ô Doradal, gần công viên giải trí Hacienda Napoles. Ảnh: AFP

Ở châu Phi, hà mã bị coi là loài động vật nguy hiểm, vốn giết người nhiều hơn bất kỳ loài thú nào khác, thì ở Colombia, chúng lại trở thành biểu tượng của địa phương.

Các cửa hàng quà tặng tại thị trấn Puerto Triunfo gần dinh thự cũ của Pablo Escorbar bày bán áo phông và móc khóa hình hà mã. Tại công viên giải trí được xây dựng trên địa điểm từng là khu vui chơi của Escobar, du khách có thể tham quan hồ nước, nơi hiện có vài chục con hà mã sinh sống.

Hà mã là con vật cưng của thị trấn, đó là cảm nghĩ chùng của người dân Puerto Triunfo.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mối quan hệ giữa con người và hà mã tại đây cũng hòa thuận. Vào năm 2009, 3 con hà mã đã gây náo loạn các trang trại địa phương, buộc các nhà chức trách phải cử một nhóm thợ săn truy lùng với mệnh lệnh là giết tại chỗ.

Chỉ khi nhóm thợ săn đăng tải bức ảnh chụp bên cạnh xác của con hà mã đực tên Pepe, các nhà bảo vệ quyền động vật đã lên tiếng tố cáo với chính quyền về hành vi ngược đãi hà mã.

Một thẩm phán đã ra phán quyết đình chỉ việc săn bắt đồng loại của Pepe, đồng thời chỉ định việc giết hà mã là hành vi bất hợp pháp. Đó là khi nhóm của ông David Echeverri khởi động chiến dịch triệt sản của mình.

Suốt nhiều tháng mai phục bất thành, nhóm nghiên cứu đã dùng thức ăn để dụ dỗ con vật vào một lồng gỗ.

“Nhưng chiếc bẫy không hoạt động", ông Echeverri nhớ lại. “Như biết mình bị bao vây, con hà mã nhảy dựng lên, phá nát mọi thứ rồi chạy mất. Tôi không ngờ rằng hà mã có thể nhảy".

Một khó khăn khác khi thiến hà mã đó là chúng có cấu tạo cơ quan sinh dục khác thường. Tinh hoàn của con đực có thể thu vào và ẩn bên trong một lỗ gọi là ống bẹn, trong khi của con cái còn ẩn sâu hơn. Nếu không tìm nhanh, thuốc mê sẽ tan và các nhà khoa học sẽ gặp nguy hiểm.

Mỗi năm nhóm của ông Echeverri chỉ thiến được một con hà mã, trong khi dân số của chúng tăng 10% qua từng năm.

Một nghiên cứu năm 2020 tại các hồ có hà mã sinh sống chỉ ra rằng chất dinh dưỡng trong phân của loài vật này đã thúc đẩy sự nở rộ của vi khuẩn và tảo. Điều này làm giảm hàm lượng oxy trong nước, gây độc cho cá.

Hà mã: Di sản nhức nhối của trùm ma túy Escobar ảnh 3

Hà mã là biểu tượng của thị trấn Puerto Triunfo

Ở châu Phi, hà mã đóng vai trò là kỹ sư hệ sinh thái, chuyển chất dinh dưỡng từ đất sang hồ và tạo ra các kênh nước mới. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hà mã có thể làm điều tương tự tại Comlombia. Chúng thậm chí có thể lấp đầy khoảng trống môi trường do các loài động vật có vú khổng lồ đã tuyệt chủng sau Kỷ Băng hà để lại, ví dụ như loài lạc đà không bướu khổng lồ.

Nhưng Nataly Castelblanco-Martínez, nhà sinh thái học người Colombia tỏ ra nghi ngờ giả thuyết này. Các hồ và sông của Colombia đã là nơi sinh sống của các loài động vật có vú bản địa lớn. Những con chuột lang nước khổng lồ đang phải cạnh tranh nguồn thức ăn với hà mã. Những con lợn biển Tây Ấn Độ cũng bị đe dọa bởi loài vật ngoại lai hung hãn.

Castelblanco-Martínez cho biết việc nuôi dưỡng loài hà mã sẽ làm hao hụt tài nguyên của hàng trăm loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng của Colombia. Nó cũng khiến các quan chức phân tâm trong việc đối phó với khoảng 400 loài xâm lấn đe dọa các hệ sinh thái bản địa.

"Các nhà hoạt động vì quyền động vật chỉ quan tâm đến hà mã", Castelblanco-Martínez chỉ ra. “Họ không nhận ra bức tranh toàn cảnh: bức tranh xã hội, bức tranh kinh tế và cả bức tranh sinh thái”.

Castelblanco-Martínez là tác giả chính của nghiên cứu số lượng hà mã. Sử dụng các mô hình thống kê và dự báo khí hậu, nhóm của cô phát hiện ra rằng quần thể hà mã Colombia sẽ tăng khoảng 1.418 con vào năm 2039.

Các nhà chức trách Colombia sẽ phải gia tăng tốc độ triệt sản lên khoảng 30 con mỗi năm, một nửa trong số đó là ở con cái.

Các nhà khoa học nói rằng Colombia phải tính đến phương án triệt tiêu một số cá thể. “Không ai thích ý tưởng bắn một con hà mã. Tôi cũng vậy. Nhưng không có chiến lược nào khác hiệu quả. Cách đây 30 năm, việc di dời có thể khả thi, khi chỉ có 4 con hà mã", Castelblanco-Martínez nói.

Việc triệt sản hà mã có thể có hiệu quả nếu các quan chức sớm cung cấp đủ nguồn lực cho chương trình. Hiện tại, lựa chọn triệt tiêu đang dần trở thành lựa chọn khả dĩ nhất. Ông Echeverri không chắc chắn rằng giết hà mã là cách duy nhất để kiểm soát quần thể động vật này.

"Những con vật này là biểu tượng của một cộng đồng. Chúng tôi dự định triệt sản hoặc tái định cư khoảng 50 con hà mã tại khu vực Hacienda Napoles và chỉ tiêu hủy những con đã lang thang xa hơn", ông Echeverri gợi ý.

Nhà khoa học cũng thừa nhận rằng thời gian không còn nhiều để hành động. “Tôi đã làm việc trong nhiều năm để tìm hiểu vấn đề và đưa ra giải pháp, nhưng vấn đề cứ lặp đi lặp lại. Điều duy nhất thay đổi là số lượng hà mã".

Theo Washington Post
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).