Nhiều chủ đề phong phú được truyền tải bằng phương pháp trực quan trở nên dễ hiểu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Chủ đề đa dạng, hình thức phong phú
Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) Cao Thanh Nga cho biết, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những hoạt động quan trọng của nhà trường trong mỗi năm học. Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm học 2022-2023, khi học sinh được đi học trực tiếp nhà trường tiếp tục nối lại hoạt động tuyên truyền về pháp luật để giúp các em hiểu thêm những kiến thức cơ bản về một số quy định của pháp luật, kỹ năng sử dụng mạng xã hội thông minh.
Với chủ đề "Phòng, chống bạo lực, xâm hại và những nguy cơ từ không gian mạng", học sinh Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa đã được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích từ Thiếu tá Lê Mạnh Cường, cán bộ Tổ Tội phạm học, Viện Khoa học cảnh sát thuộc Học viện Cảnh sát nhân dân và Thiếu tá Nguyễn Hữu Huy đến từ Đội Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an quận Đống Đa.
Để giúp học sinh có nhận thức rõ hơn về các hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà trẻ từ 14 tuổi có thể đã phải chịu trách nhiệm hình sự, cán bộ công an đã lựa chọn hình thức trực tiếp giao lưu, đặt câu hỏi với học sinh về một số tình huống thực tế liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục và kỹ năng khi tham gia mạng xã hội. Sau buổi tuyên truyền, nhiều học sinh chia sẻ, mặc dù các em sử dụng mạng xã hội thành thạo, nhưng vẫn không ngờ có quá nhiều cạm bẫy trên không gian mạng. Nếu học sinh không đủ tỉnh táo để phân biệt thông tin thật hay thông tin giả, rất dễ bị xử lý hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.
Tại Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), ngay sau khi khai giảng, trường đã triển khai nhiều hoạt động chuyên đề thiết thực vào giờ chào cờ của mỗi thứ hai hàng tuần. Các lớp sẽ nối tiếp thực hiện theo tuần với các chủ đề khác nhau như: “Kỹ năng giao tiếp ứng xử”, “Thanh niên học tập, rèn luyện vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Quan điểm sống của thanh niên ngày nay”, “Sử dụng mạng xã hội văn minh, an toàn” và gần đây nhất là chuyên đề “Kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô”.
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Cầu Giấy Lê Thị Hồng, các chuyên đề với nội dung phong phú được học sinh thể hiện bằng nhiều hình thức như hát, múa, diễn kịch… không chỉ cung cấp kiến thức lịch sử, kiến thức xã hội, mà còn gửi gắm thông điệp ý nghĩa để lại cảm xúc ấn tượng, sâu lắng trong lòng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn trường. Đây cũng là hoạt động được học sinh háo hức chờ mong vào mỗi buổi sáng thứ hai hàng tuần.
Rèn đạo đức song song với thể lực
Ngay trong những ngày đầu năm học 2022-2023, Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long (huyện Gia Lâm) đã tổ chức Chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh toàn trường. Tại buổi tuyên truyền, học sinh đã được nghe cán bộ đội Công an giao thông, Công an huyện Gia Lâm chia sẻ về tình hình trật tự an toàn giao thông tại địa phương, ý thức chấp hành quy định an toàn giao thông của học sinh trong giai đoạn hiện nay.
Những nội dung khó nhớ, khó thuộc trong Luật Giao thông đường bộ đã được các cán bộ Công an làm “mềm hóa” bằng những mẩu chuyện nhỏ, ví dụ thực tế. Với hình thức tiếp cận khéo léo đó, học sinh đã bị cuốn hút vào nội dung buổi nói chuyện và dễ dàng ghi nhớ nội dung quy định liên quan đến lứa tuổi học sinh.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên của nhà trường còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh, bích báo tuyên truyền về an toàn giao thông, trang bị kiến thức, hiểu biết cho học sinh, từ đó hình thành ý thức trách nhiệm trong thực hiện văn hóa giao thông. Cuộc thi cũng tạo điều kiện cho học sinh có dịp giao lưu, học hỏi, phát huy tính sáng tạo, thể hiện ý tưởng, năng khiếu, suy nghĩ của mình về an toàn giao thông qua những tác phẩm hội họa.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long Đoàn Hoàng Giang cho biết, thông qua hoạt động tuyên truyền, nhà trường đã cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ, giúp các em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Không chỉ vậy, nhà trường mong muốn mỗi học sinh sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhắc nhở người thân trong gia đình, người dân tại địa phương tham gia giao thông đúng quy định, phòng ngừa tai nạn giao thông.
Tại Trường Trung học Phổ thông Lê Lợi (quận Hà Đông), nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng được tổ chức đa dạng. Điển hình như lễ trao tặng 1.500 lá cờ Tổ quốc cho các chiến sĩ ngoài hải đảo. Nhà trường đã mời đại diện của Trung tâm đào tạo trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam về trường để tiếp nhận và trực tiếp chia sẻ những trải nghiệm, khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ đang canh giữ nơi đảo xa. Qua đó, học sinh đã hiểu hơn về tinh thần yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc và giá trị của hòa bình được đánh đổi bằng sự hy sinh của bao lớp cha anh đi trước...
Song song với việc dạy kiến thức, nhiều trường cũng quan tâm, đẩy mạnh hoạt động văn nghệ, thể thao để tạo sự gắn kết, đồng thời nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe cho học sinh, hỗ trợ việc học tập văn hóa tốt hơn như: Trường Trung học Phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) với Giải bóng đá cấp trường và sự kiện “Chốn mộng” chào đón học sinh lớp 10. Trường Phổ thông võ thuật Bảo Long thực hiện đa dạng các hoạt động, câu lạc bộ thể thao trường học và khuyến khích học sinh tham gia hoạt động thể thao ngoại khóa; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp trường như Giải vô địch cờ vua Bảo Long mở rộng năm 2022, tham gia hoạt động giao lưu bóng đá với đoàn thanh niên địa phương…
“Thông qua quá trình rèn luyện và thi đấu, học sinh đã học được tính kỷ luật cao, tinh thần trách nhiệm của mình với đội nhóm, biết nỗ lực nhiều hơn, không ngừng cố gắng vì thành tích chung của cả đội. Đó là điều mà không có con chữ nào có thể giúp các em hiểu trọn vẹn ý nghĩa nếu không từng trải qua”, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long Đoàn Hoàng Giang chia sẻ.