Vùng phía Bắc Nhật Bản hiện đang trong tình trạng báo động do khu vực quanh nhà máy hạt nhân Fukushima đang ngập tràn lợn rừng đột biến phóng xạ.
Năm năm kể từ khi xảy ra thảm họa rò rỉ phóng xạ ở nhà máy Fukushima, số lượng heo rừng trong bán kính 20km quanh nhà máy đã tăng một cách đột biến.
Lũ heo thường tràn vào các đồng ruộng, phá hoại hoa màu. Kể từ sau khi thảm họa kép xảy ra ở đông bắc nước Nhật hôm 11/3/2011 gây nên sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thiệt hại nông nghiệp do heo rừng gây ra tại tỉnh Fukushima lên tới 15 triệu USD, gấp đôi so với thời kỳ trước đó.
Theo International Business Times của Anh, “dân số” heo rừng đã tăng từ khoảng 3.000 lên tới gần 13.000 con kể từ năm 2014. Phần lớn trong số này đều bị nhiễm phóng xạ do nguồn thức ăn bị nhiễm xạ trong khu vực gần nhà máy.
Do mức độ tàn phá của heo rừng ngày càng nhiều nên người dân sống quanh nhà máy hạt nhân Fukushima đã báo cáo lên chính quyền để xử lý. Trước tình hình báo động trên, chính quyền địa phương đã tổ chức các nhóm thợ săn lớn để làm giảm bớt số cá thể heo rừng tại khu vực.
Hiện tại, ở Nhật, nhiều người dân từ khắp nơi đã đổ về khu vực quanh nhà máy hạt nhân Fukushima để săn bắt heo, sau đó đem chôn hủy. Song do số lượng heo tăng trưởng nhanh chóng, trong khi đó, diện tích đất để chôn chúng lại có hạn.
Heo rừng cũng là mối đe dọa tới an ninh công cộng, với nhiều trường hợp lợn tấn công người dân địa phương ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.
Tại thành phố Nihonmatsu, cách nhà máy Fukushima khoảng 56km, ba ngôi mộ lớn, mỗi mộ đủ chôn 600 con heo rừng hiện đã gần chật chỗ, và thành phố cũng không còn đất dư để làm mộ. Thợ săn địa phương thậm chí đã phải mang heo về chôn tại đất của riêng họ.
Mặc dù thịt heo rừng là một món ăn “đặc sản” ở khu vực miền bắc Nhật Bản, thịt heo rừng từ Fukushima lại không hề thích hợp cho con người bởi hàm lượng cao các chất phóng xạ. Chất phóng xạ caesium-137 đã được tìm thấy trong cơ thể heo rừng với nồng độ cao hơn gấp 300 lần ngưỡng an toàn.
Heo rừng hoành hành vẫn chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều những công việc mà người dân Fukushima phải thực hiện để khắc phục các vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế sau 5 năm xảy ra thảm họa sóng thần khiến ba lò phản ứng hạt nhân tại đây bị tan chảy và giải phóng các chất phóng xạ ra môi trường.
Đây được coi là thảm họa hạt nhân khủng khiếp nhất kể từ thảm họa Chernobyl năm 1986, và là thảm họa thứ hai thuộc mức phân loại cao nhất trong thang sự kiện hạt nhân quốc tế.
Vũ Minh