- PV: Qua vụ việc tranh nhái vừa rồi, tôi thấy các họa sĩ bị đạo tranh có phản ứng rất nhẹ nhàng, rồi vụ việc rơi vào quên lãng và các tác phẩm hội họa vẫn cứ bị sao chép. Theo anh, tại sao các họa sĩ lại không có phản ứng mạnh mẽ khi tác phẩm của mình bị đạo?
- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Khác với giới showbiz, họa sĩ vốn là những nghệ sĩ hoạt động thiên về chiều sâu lắng. Rất ít các họa sĩ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính vì vậy, cho dù có rất bức xúc vì tình trạng tranh đạo, tranh nhái… nhưng sự bức xúc này giống như tiếng kêu trong căn nhà đóng kín. Các họa sĩ ít được truyền thông hướng tới nên chúng ta cứ ngỡ rằng họ không có phản ứng hoặc phản ứng không đủ mạnh. Các nhà báo ít viết về họ vì xã hội mình bây giờ quan tâm đến các mảng nghệ thuật bề nổi khác như âm nhạc, điện ảnh, thời trang… nhiều hơn hội họa. Tôi nghĩ truyền thông và pháp luật cần quan tâm hơn đến hiện tượng đạo tranh, vì thực chất đó là một dạng ăn cắp, nhưng không ăn cắp không đồ vật như đạo chích mà ăn cắp sự sáng tạo của người khác.
Họa sĩ Phan Tuấn bên tác phẩm của mình và tranh nhái rao bán trên mạng. |
- PV: Chỉ cần dạo qua một vòng các phố trung tâm hoặc lên mạng tìm kiếm, chúng ta dễ dàng đặt được một bức tranh sao chép từ tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi. Tranh chép, tranh đạo như vậy có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của hội họa Việt?
- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Nhiều người cho rằng các bức tranh đạo, tranh chép là thuộc đẳng cấp thấp, không thể nhầm lẫn và ảnh hưởng tới các họa sĩ chân chính. Thế nhưng nếu suy xét thấu đáo hơn, tranh giả, tranh nhái còn ảnh hưởng rất xấu đến cả nền mỹ thuật. Tại sao lại như vậy? Chúng ta hãy lần từng bước để làm sáng tỏ vấn đề này.
Trước tiên, nhu cầu treo tranh là luôn có, cho dù với mục đích chỉ để trang trí căn phòng thêm đẹp. Cứ mỗi dịp Tết đến, có rất nhiều người đi tìm mua tranh và mục tiêu hướng tới của họ hầu hết là tranh chép, tranh nhái có giả rẻ. Họ chọn loại tranh này vì nó rất rẻ. Thậm chí rất nhiều người chưa từng nghĩ đến việc trong nhà mình có một bức tranh nghệ thuật. Phần đông dân chúng mua tranh để phục vụ nhu cầu vật trang trí nhà chứ không phải là thú chơi sưu tập. Để trang trí thì rõ ràng một bức tranh chép có tác dụng không kém gì một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Trong khi đó, giá trị của bức tranh nghệ thuật lại nằm ở sự sáng tạo và giá trị này đã bị đánh cắp một cách trắng trợn.
Những bức tranh đích thực đang bị cạnh tranh rất gắt gao bởi các đối thủ được coi là đẳng cấp thấp này. Họa sĩ không bán được những bức tranh vẽ theo đúng đam mê của mình, để tồn tại, họ bắt buộc phải lựa theo thị trường để vẽ những bức giá rẻ, lòe loẹt, bắt mắt thị hiếu bình dân để bán. Điều này đã ảnh hưởng rất xấu đến nền hội họa đương đại.
Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh (trái) và tranh chép được bày bán công khai. |
- PV: Tôi thấy nhiều họa sĩ bán tranh cho Tây, đưa tranh đi triển lãm nước ngoài cũng rất thành công, cứ gì phải phụ thuộc vào nhu cầu mua từ trong nước?
- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Bất kỳ lĩnh vực gì cũng phải cần nội lực trong nước. Ví như bóng đá, các quốc gia rất giàu có thể nhập tịch toàn bộ cầu thủ nước ngoài. Nhưng họ chỉ bùng lên được một thời gian rồi sẽ chìm dần. Nền mỹ thuật cũng vậy, nếu người trong nước không quan tâm đến tranh nghệ thuật không thể trông chờ người nước ngoài giúp nền mỹ thuật của chúng ta phát triển. Một số họa sĩ bán tranh ra nước ngoài và đủ sống. Nhưng còn rất nhiều họa sĩ khác đang lúng túng lựa chọn giữa nghệ thuật và thị trường tranh giá rẻ để tồn tại.
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã nói: “Nếu dân tộc không tự đánh giá và mua sáng tác của nghệ sĩ dân tộc mình thật cao thì hy vọng gì vào người khác đánh giá? Nhiều người ở Việt Nam đã có nhiều tiền. Họ đi picnic tốn kém, mua ôtô hàng trăm triệu đồng, mua salon vài nghìn USD. Nhưng nếu bỏ vài nghìn USD mua một bức tranh thì khó khăn lắm”.
Việc đánh giá, nhận thức nghệ thuật phải bắt đầu từ giáo dục và môi trường xã hội phát triển. Hiện nay tầng lớp trung lưu, thượng lưu ở nước đã xuất hiện khá nhiều, tuy nhiên khả năng cảm nhận thẩm mỹ thì chưa xứng tầm với số tiền mà họ kiếm được. Nhiều đại gia xây lâu đài, cung điện như vua chúa, dát vàng cả toilet…, nhưng trong nhà không có lấy một bức tranh nghệ thuật. Cũng có người yêu tranh, nhưng họ không đủ trình độ thẩm mỹ để phân biệt giữa tranh có giá trị nghệ thuật và các loại tranh rẻ tiền. Theo tôi nghĩ, cách tốt nhất là để cho người dân có thật nhiều điều kiện để tiếp cận dần với tranh nghệ thuật. Ví dụ như tranh của tôi thường bán cho người nước ngoài với giá vài ngàn USD, nhưng tôi cũng vẽ những bức tranh nhỏ bán với giá chỉ vài trăm USD cho những người yêu hội họa trong nước. Những bức tranh đó sẽ nuôi dưỡng tình yêu hội họa trong họ, để một lúc nào đó đủ năng lực kinh tế, họ sẽ sưu tầm những bức tranh giá trị cao hơn.
Bức “Bến vắng” của họa sĩ Đặng Tiến (trái) bị chép lại và rao bán trên mạng. |
- PV: Tôi thấy kỷ lục giá tranh của họa sĩ Việt so với thế giới còn quá xa. Có phải xã hội phát triển, họa sĩ đủ sống, không còn phải vẽ tranh giả, tranh nhái nữa thì tranh của họa sĩ Việt sẽ có giá trị ngang tầm với thế giới.
- Họa sĩ Nguyễn Hiển: Thực lòng mà nói, tranh của các họa sĩ Việt Nam không hề thua kém đồng nghiệp quốc tế nhưng giá rẻ hơn rất nhiều. Tuy vậy, so với mức sống của người Việt thì nhiều người cho rằng giá tranh vẫn quá cao. Phần lớn người dân vẫn không hiều rằng để vẽ được một bức tranh, họa sĩ phải làm việc cả tuần, cả tháng, thậm chí có họa sĩ vẽ một bức tranh mất hơn 1 năm. Giá tranh đó bao gồm cả công sức, sự sáng tạo, tài năng, tư tưởng của họa sĩ kết hợp lại để tạo thành một giá trị sưu tập vô cùng lớn. Có không ít họa sĩ đã vắt kiệt tinh lực của mình với cà phê, thuốc lá, rượu cùng hơi sơn độc hại... Họ đã đánh đổi cả sức khỏe, hạnh phúc gia đình của mình để có được sự thăng hoa sáng tạo. Giá của bức tranh so với sự đánh đổi đó là không hề đắt. Tuy nhiên, như tôi đã nói, hầu hết các họa sĩ đang có cuộc sống rất khó khăn. Giả dụ không có các xưởng tranh chép, tranh nhái kia, người dân bắt buộc phải tìm đến với những tác phẩm hội họa đích thực. Lúc này, chính công chúng sẽ tiếp sức cho các họa sỹ sáng tạo ra những tác phẩm ngày càng chất lượng hơn. Chỉ có như vậy, các tác phẩm hội họa của Việt Nam mới có thể ngang tầm với thế giới, làm rạng danh cho nền mỹ thuật Việt Nam.
Hoạ sĩ Nguyễn Hiển |
- PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!