Cù lao nhãn An Hoà (xã An Nhơn, huyện Châu Thành) là nơi tập trung 60 ha nhãn, trong tổng số gần 800 ha của toàn huyện Châu Thành. Thời hoàng kim, cù lao còn được biết đến với tên gọi "cù lao nhãn triệu USD". Thế nhưng, trong tình hình dịch bệnh, giá cả nhãn trở nên bất ổn khiến nhiều gia đình lo lắng rằng họ sẽ phải chịu những khoản lỗ nặng.
Bà Nguyễn Thị Khỏi, chủ một vựa nhãn rộng 5.000m2 tại An Hoà, đang lo sợ sẽ mất trắng 2 tấn nhãn chưa bán được trong vườn. Hơn 10 ngày qua, bà đã gọi rất nhiều thương lái nhưng hầu hết đều lắc đầu không mua với lý do dịch bệnh, khó vận chuyển, khó tiêu thụ.
Bà Khỏi chia sẻ, nếu giờ may mắn được thương lái mua giá 5.000-6.000 đồng, bà vẫn lỗ hơn 10 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc 6-7 tháng.
"Một năm có một mùa nhãn, bán 5.000-6.000 đồng một ký mà không ai mua. Nguy cơ tôi bị mất trắng với số nhãn này và sắp tới không biết lấy gì mà sống", bà Khỏi buồn bã nói.
Ông Phan Tấn Lực sở hữu vườn nhãn rộng 1 hecta, sản lượng thu hoạch năm nay hơn 4 tấn nhưng vẫn chưa thuyết phục được thương lái mua. "Tôi trồng nhãn Thái nay 10 năm rồi mà chưa khi nào giá thấp như vậy. Năm rồi dịch bệnh giá cũng 15.000 đồng một kg, còn bình thường cũng 25.000-30.000 đồng. Giá thì rẻ mà phân thuốc cái gì cũng tăng", ông chia sẻ.
Vườn nhãn ngoài khu vực phong tỏa, anh Phạm Văn Nguyên, xã Hoà Tân, huyện Châu Thành may mắn hơn khi tìm được thương lái bán khoảng 500 kg. Thế nhưng, với giá 8.000 đồng/ký, anh vẫn phải chịu lỗ nặng.
Những nhà vườn trồng nhãn may mắn tìm được đầu ra trong thời điểm này nhưng giá cũng rất thấp, chỉ 8.000 đồng một kg. Ảnh: VnExpress |
"16.000 đồng nhưng 2 ký. Giá này lỗ tới xương luôn. Tôi đổ vốn hơn 20 triệu đồng mà thu được có nhiêu đây. Chưa trừ tiền công nhà, tiền trả nhân công hái nhãn nữa," anh Nguyên nói.
Theo UBND huyện Châu Thành, từ giữa tháng 7 đến cuối năm, sản lượng nhãn thu hoạch khoảng 13.000 tấn, trong đó nhãn Châu Thành chiếm 11.500 tấn. Trước mắt, trong tháng 7-8, cần phải tìm đầu ra gấp cho 4.800 tấn nhãn. Diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng là 168 ha, 126 ha đạt chứng nhận VietGAP, 19,5 ha đạt GlobalGAP.
Chiều 16/7, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương đã làm việc với huyện Châu Thành nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nhãn.
Bên cạnh đó, Sở Công thương TP HCM cũng đang thiết lập điểm bán hàng lưu động. Tỉnh sẽ gửi danh sách đến Sở này để kết hợp đưa nhãn về bán tại các điểm lưu động nêu trên. Ngoài ra, hội doanh nhân, hội phụ nữ, tỉnh đoàn sẽ phối hợp làm chuyến xe nông sản đưa đến các tỉnh, trong đó có TP HCM để tìm đầu ra cho nhãn của người dân.