Hong Kong - thiên đường của tội phạm buôn bán động vật hoang dã

Hong Kong - thiên đường của tội phạm buôn bán động vật hoang dã

Sở hữu vị trí địa lý thuận lợi và cảng biển nhộn nhịp, Hong Kong đã trở thành điểm trung chuyển số một cho việc buôn lậu các sản phẩm động vật hoang dã trái phép.

_______________

Vào một buổi tối thứ ba của tháng 12/2017, một chiếc xe tải rẽ vào phố Island House, nơi có những khu dân cư đông đúc ở phía bên ngoài quận Tai Po.

Những tòa nhà cao tầng nhường chỗ cho một khu rừng nhỏ rậm rạp và ở cuối con phố là một bãi biển đầy sỏi đá. Bên kia bến cảng là Kênh Tolo, và xa xa là những quả đồi xanh ngắt của tỉnh Quảng Đông.

Ở trên mặt nước, một chiếc xuồng cao tốc đang chờ đợi, và những người đàn ông bắt đầu vận chuyển từng gói hàng từ chiếc xe lên phương tiện này.

Bất chợt, những nhân viên hải quan Hong Kong xuất hiện, chiếc xuồng ngay lập tức chạy ra biển. Cảnh sát biển Hong Kong đuổi theo trong hai giờ đồng hồ trước khi nó chạy thoát trong địa hình hiểm trở nhiều đá của Kênh Tolo.

Mặc dù vậy, một lượng lớn hàng hóa lậu vẫn còn sót lại trên chiếc xe tải, bao gồm số điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số và máy tính bảng trị giá 1 triệu USD. Thêm vào đó, lực lượng chức năng phát hiện 300 kg vảy tê tê.

Hong Kong - thiên đường của tội phạm buôn bán động vật hoang dã ảnh 1
Cảng Hong Kong, cảng bận rộn thứ 5 thế giới, là nơi Cục Hải quan và Thuế Hong Kong phát hiện nhiều container chứa sản phẩm động vật hoang dã trái phép. Vào tháng 1, họ đã phát hiện 9 tấn vảy tê tê trong 1 con tàu xuất phát từ Nigeria đang trên đường tới Việt Nam. Ảnh: New York Times.
Nạn nhân mới nhất
Tê tê là một loài động vật có vú sinh sống ở rừng nhiệt đới châu Á và châu Phi. Toàn thân chúng có lớp vảy cứng bao bọc, chỉ chừa phần bụng. Lớp vảy này được cấu tạo bằng chất keratin có trong móng vuốt, sừng và lông các loài động vật có vú khác.

Tại Trung Quốc, thịt tê tê được coi là rất bổ và vảy của chúng cũng là một vị thuốc trong y học cổ truyền. Trong một thập kỷ vừa qua, số lượng loài này trong tự nhiên giảm nhanh chóng vì bị săn bắt quá mức. Giá của sản phẩm này trên thị trường chợ đen cũng tăng theo, số lượng vảy tê tê hải quan Hong Kong thu được trong vụ bắt giữ tại quận Tai Po có giá trị lên tới 300.000 USD.

Trong thế giới ngầm kinh doanh các sản phẩm động vật hoang dã, Hong Kong đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thành phố này được xây dựng dựa trên ý tưởng trở thành điểm trung chuyển tự do hàng hóa và dòng vốn từ các quốc gia khác. Hơn nữa nó cũng nằm ở cửa ngõ vào Trung Quốc đại lục, thị trường tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã lớn nhất thế giới.

Trong một thập kỷ vừa qua, sự bùng nổ tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Trung Quốc đã dẫn tới nhu cầu gia tăng với đồ trang sức, sản phẩm nghệ thuật, thực phẩm xa xỉ và những vị thuốc truyền thống quý hiếm. Điều này dẫn tới một thị trường phái sinh buôn lậu các sản phẩm động vật hoang dã, cùng với đó là hoạt động săn bắt trái phép những loài này ở châu Phi, Đông Nam Á và một số nơi khác.

Tê tê trở thành nạn nhân mới nhất của làn sóng này: 4 trong số 8 loại tê tê trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng, và hoạt động buôn bán các sản phẩm từ tê tê đã bị cấm trên toàn thế giới từ năm 2016.

Các nhà nghiên cứu tại Quỹ đầu tư ADM (ADMCF), một tổ chức có trụ sở tại Hong Kong chuyên tập trung vào các vấn đề môi trường, gần đây đã phân tích những số liệu về các vụ bắt giữ sản phẩm động vật hoang dã của Cục Hải quan và Thuế Hong Kong.

Trong một báo cáo được đưa ra vào tháng 1, các nhà nghiên cứu kết luận đặc khu hành chính này là nơi thu giữ nhiều vụ buôn lậu tê tê nhất thế giới. Từ năm 2013 đến 2017, Hong Kong thu giữ 43 tấn vảy và thịt tê tê, tương đương với hàng nghìn cá thể, trong các kiện hàng có nguồn gốc từ 6 quốc gia, phần lớn đến từ Cameroon và Nigeria.

Hong Kong - thiên đường của tội phạm buôn bán động vật hoang dã ảnh 2
Quan chức Hong Kong bên cạnh số vảy tê tê thu được trong một vụ bắt giữ vào ngày 1/2 năm nay. Ảnh: New York Times.

Trong 3 năm từ 2013 đến 2015, số lượng tê tê thu giữ ở Hong Kong đã chiếm 45% tổng số lượng sản phẩm từ tê tê bị thu giữ trên toàn thế giới trong giai đoạn 2007-2015, theo số liệu của Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc.

Mặc dù số liệu này không bao gồm năm 2018, ước tính số lượng vảy tê tê mà hải quan Hong Kong thu giữ trong năm 2018 gấp đôi con số năm 2017. Vào tháng 1, nhà chức trách Hong Kong phát hiện lô hàng vảy tê tê lớn nhất trong lịch sử, với 9 tấn trên một con tàu chở hàng đang đi tới Việt Nam từ Nigeria.

Ngành kinh doanh khổng lồ
Phần lớn sản phẩm từ tê tê được cho là sẽ cập bến Trung Quốc đại lục, mặc dù không khó để tìm thấy chúng ở Hong Kong. Trên con phố đông đúc Queen's Road tại quận Sheung Wan, nhân viên một cửa hàng nhỏ cho biết họ luôn có sẵn vảy tê tê để bán cho khách.
"Chúng tôi bán được rất nhiều, và chúng tôi đã kinh doanh thứ này từ rất lâu rồi", người phụ nữ cho biết. Một lượng vảy tê tê - tương đương với 37,5 gram, có giá 300 HKD (38 USD).
"Nó khá xa xỉ đấy", bà nói.
Mặc dù cửa hàng không bày bán sản phẩm này, nhưng người phụ nữ cho biết chỉ cần một cuộc điện thoại, vảy tê tê sẽ được chuyển đến tận nơi trong 30 phút. Thậm chí việc tuồn qua biên giới vào Trung Quốc mà không bị phát hiện cũng rất dễ dàng.
Trong những năm gần đây, cảnh báo đã được ra về những hệ quả sinh thái của việc buôn lậu động vật hoang dã trái phép, cùng với đó là sự liên quan đến các tổ chức tội phạm và những đe dọa về mặt an ninh. Nhiều nước đã phản ứng bằng cách siết chặt luật lệ và tăng cường lực lượng để ngăn chặn loại tội phạm này.
Tại Mỹ, buôn lậu động vật hoang dã được coi là hành vi phạm tội có tổ chức. Liên Hợp Quốc cho rằng ngành kinh doanh ngầm này là "một trong những hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lớn nhất".
Theo những nhà bảo tổn, Hong Kong nằm ngoài xu hướng này dù cho có rất nhiều sản phẩm động vật hoang dã đi qua cảng và sân bay quốc tế của thành phố. Trong khi các quốc gia khác đã bắt đầu có những biện pháp cứng rắn hơn để chống buôn lậu sản phẩm động vật hoang dã, chính quyền đặc khu lại tỏ ra lưỡng lự trong việc thể hiện một lập trường tương tự.
Hong Kong - thiên đường của tội phạm buôn bán động vật hoang dã ảnh 3
Những cửa hàng trên đường Queen's Road tại quận Sheung Wan, Hong Kong. Ảnh: New York Times.

Cục Hải quan và Thuế Hong Kong ước tính số lượng sản phẩm động vật hoang dã mà họ thu được trong vòng 5 năm qua (chủ yếu là ngà voi, vảy tê tê và gỗ hiếm) có giá trị lên tới 71 triệu USD. Con số này cho thấy đây có thể là ngành kinh doanh ngầm trị giá hàng tỷ USD.

Theo thống kê của ADMCF, chỉ 20% số vụ tịch thu sản phẩm từ tê tê ở Hong Kong dẫn tới truy tố. Những trường hợp liên quan đến ngà voi thường bị truy tố nhiều hơn là tê tê. Các vụ bắt giữ cũng hiếm xảy ra, và thường là đối với những "người vận chuyển", vốn bị bắt quả tang ở sân bay và chỉ bị đưa vào nhà tù trong vài tuần cùng một khoản tiền phạt không lớn.
Trở ngại lịch sử
Sự lưỡng lự của giới chức Hong Kong đối với việc buôn lậu sản phẩm động vật hoang dã có thể được giải thích qua yếu tố lịch sử. Nơi đây luôn là trung tâm hàng đầu của các sản phẩm động vật hoang dã từ khắp nơi trên thế giới.
Thành phố có một sự kết nối chặt chẽ về địa lý và văn hóa với tỉnh Quảng Đông, trung tâm ngành y học cổ truyền Trung Quốc, và cả nghệ thuật điêu khắc ngà voi, trong hàng thế kỷ. Việc tiêu thụ các sản phẩm động vật quý hiếm cũng đã ăn sâu vào nếp sống của người dân khu vực.
Hong Kong cũng ở ngay gần tỉnh Phúc Kiến, nơi có khu vực duyên hải nổi tiếng với nghề điêu khắc cổ truyền. Sừng tê giác, ngà voi, mỏ chim hồng hoàng mũ cát... đều được chế tác thành những trang sức xa hoa cho thị trường Trung Quốc.
Một thế kỷ là thuộc địa của người Anh cũng giúp các thương lái Hong Kong có được mối quan hệ truyền thống với các đồng nghiệp đến từ châu Phi, những người có nguồn cung ngà voi, sừng tê và các sản phẩm động vật quý hiếm khác. Hong Kong từng là trung tâm ngà voi của thế giới trước khi sản phẩm này bị cấm buôn bán vào năm 1989. Vào lúc cao điểm trong thập kỷ 1970, mỗi năm Hong Kong nhập khẩu khoảng 700 tấn ngà voi.
Bên cạnh đó, từ lâu Hong Kong đã là nơi nhập khẩu nhiều vây cá mập nhất thế giới, đây là nguyên liệu cho một món cháo phổ biến trong ẩm thực Quảng Đông.
Hong Kong - thiên đường của tội phạm buôn bán động vật hoang dã ảnh 4
Vây cá mập được bày bán trên một cửa hàng tại quận Sheung Wan. Ảnh: New York Times.

Hầu hết sản phẩm trái phép này đều có thể được tìm thấy tại quận Sheung Wan, nơi tập trung nhiều cửa hàng bày bán rất nhiều cá ngựa và tổ yến.

Những nhà bảo tồn cho rằng việc ngành kinh doanh này tiếp tục tồn tại sẽ cản trở nỗ lực nhằm giải quyết vai trò của Hong Kong trong thị trường buôn bán trái phép sản phẩm động vật hoang dã toàn cầu. Một khi đã được chế biến và làm khô để bán, vây của cá mập đầu búa - loài đang bị đe dọa tuyệt chủng - nhìn không khác gì vây của những loại cá mập được khai thác hợp pháp khác.
Sự bùng nổ hoạt động thương mại toàn cầu và ngành vận tải tàu biểu cũng khiến cho thị trường buôn lậu sản phẩm từ các loại động vật hoang dã trở nên hiệu quả và năng động hơn.
Nhà sinh vật học Timothy C. Bonebrake, Đại học Hong Kong, nhận định: "Tôi đang tự hỏi, loài nào sẽ là nạn nhân tiếp theo?". Ông Bonebrake cũng là người hỗ trợ cơ quan chức năng đặc khu phân tích các sản phẩm động vật hoang dã bị tịch thu.
"Liệu có cách nào để bạn có thể chủ động trong việc này, và ngăn chặn trước khi các loài vật bị đe dọa nghiêm trọng? Ở Hong Kong, chúng ta luôn thấy có một loài mới, lúc nào cũng vậy", ông Bonbrake chia sẻ.
Theo Zing
TIN LIÊN QUAN
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.