Hầu hết nhà báo tại nước này không chỉ rõ bản chất vấn đề mà phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật phải đối mặt
Thông thường, các phương tiện truyền thông miêu tả các nhóm dễ bị tổn thương như những người cần được thương xót, những người nhận viện trợ hoặc nạn nhân của tội ác. Những mô tả như vậy từ các phương tiện truyền thông làm số đông không hiểu được cốt lõi của các vấn đề mà các nhóm dễ bị tổn thương phải đối mặt.
Đây là kết luận rút ra từ loạt thảo luận nhóm tập trung (FGD) có tựa đề "Thúc đẩy giáo dục truyền thông đại chúng ở Indonesia: Bài học rút ra từ Đại dịch COVID-19", được tổ chức trực tuyến bởi Khoa Khoa học Truyền thông, thuộc Đại học Gadjah Mada (UGM), phối hợp với UNESCO vào ngày 24 - 25/6/2021. Chuỗi thảo luận có sự tham gia của năm giảng viên ngành báo chí, bốn nhà báo và nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan.
Trưởng Khoa Khoa học Truyền thông, Tiến sĩ Rajiyem giải thích rằng phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật vẫn chưa nhận được sự đưa tin đầy đủ từ các phương tiện truyền thông Indonesia, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây là một trong những nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Hầu hết các nhà báo tại nước này không hiểu rõ về thực chất của các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật. Tin tức từ các nhà báo ít 'thân thiện', tập trung khai thác sự bất lực của các nhóm dễ bị tổn thương, hơn là bảo vệ quyền lợi hoặc đưa ra giải pháp cho các vấn đề.
Các giảng viên chỉ ra rằng hầu hết các trường đại học về báo chí không có các khóa học và mô-đun đặc biệt về truyền thông đại chúng. Sinh viên không được cung cấp một cách hệ thống những kiến thức và kỹ năng cần thiết để viết tin bài.
Tiến sĩ Rajiyem nói thêm rằng loạt thảo luận FGD nhằm cung cấp đầu vào để chuẩn bị mô-đun truyền thông đại chúng của khóa đào tạo trực tuyến kéo dài 1 tuần cho 60 sinh viên từ 15 cơ sở giáo dục ở Indonesia, được tổ chức từ tháng 10 đến tháng 11/2021.
Cố vấn Thông tin và Truyền thông của UNESCO Jakarta, Tiến sĩ Lim Ming Kuok cho rằng mô-đun truyền thông đại chúng này sẽ khuyến khích tăng cường và phát triển những hiểu biết và kỹ năng của các nhà báo tương lai trong việc đưa tin về các nhóm dễ bị tổn thương.
UNESCO là cơ quan chính của Liên hợp quốc giữ nhiệm vụ thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do báo chí và giáo dục báo chí chất lượng
UNESCO là Cơ quan Giám sát được giao nhiệm vụ báo cáo và giám sát tiến độ của Mục tiêu 16.10.2 về tiếp cận thông tin của Mục tiêu Phát triển Bền vững 16.
UNESCO đã công bố nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về Giáo dục Báo chí, bao gồm giáo trình Báo chí, Tin tức giả mạo và Thông tin sai lệch, cẩm nang hỗ trợ các nhà báo về báo cáo biến đổi khí hậu ở Châu Phi và Châu Á Thái Bình Dương, báo chí vì sự phát triển bền vững và nhiều chủ đề liên quan khác.