Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trên 1,5 triệu lượt khách, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023 là lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2024. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch từ tháng 3/2022.
Con số này tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2019, thời điểm trước dịch.
Đáng chú ý, theo phương tiện đến, lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 1,29 triệu lượt (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019); lượng khách đến bằng đường biển đạt 48,3 nghìn lượt (tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019); trong khi đó lượng khách đường bộ chỉ đạt 60% so với cùng kỳ 2019.
Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách đến lớn nhất trong tháng 1 với 418.000 lượt (chiếm 27,6%); Trung Quốc (xếp thứ 2) với 242.000 lượt, Đài Loan (thứ 3) với 84.000 lượt, Mỹ (thứ 4) với 76.000 lượt.
Bên cạnh đó, thị trường Australia đã vươn lên thứ 5 với 62.000 lượt, Nhật Bản xếp thứ 6 với 61.000 lượt, Malaysia xếp thứ 7 với 49.000 lượt, Ấn Độ vươn lên vị trí thứ 8 với 46.000 lượt, Thái Lan xếp thứ 9 với 41.000 lượt, Campuchia ở vị trí thứ 10 với 37.000 lượt.
Anh, Pháp, Đức và Nga là những thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu với lượng khách mỗi thị trường từ 200.000-300.000 lượt người. Các thị trường châu Âu có mức tăng trưởng mạnh do chính sách miễn thị thực của Chính phủ Việt Nam, như: Anh (+37,4%), Pháp (+18,6%), Đức (+25,0%), Ý (+62,9%), Nga (+41,2%), Đan Mạch (+74,1%), Thụy Điển (+55,9%), Na Uy (+47,4%).
Theo châu lục, trong khi khu vực châu Á chỉ tăng nhẹ 4,3% so với tháng trước, thì các khu vực khác tăng trưởng mạnh: châu Mỹ tăng 27,3%, châu Âu tăng 26,6%, châu Úc tăng 68,5% và châu Phi tăng 35,2%.
Sự tăng trưởng này cho thấy hiệu quả tác động rõ ràng từ chính sách nâng thời hạn lưu trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho 13 nước được miễn thị thực đơn phương theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/8/2023.