Cho ý kiến 6 dự án luật trình Kỳ họp thứ 2
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phiên họp này sẽ tập trung cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm 5 nhóm vấn đề chính.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét lần đầu đối với 6 dự án luật bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Như vậy, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 6 trong số 7 dự án luật trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các dự án luật này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thi hành các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết như CPTPP, EVFTA, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong các hoạt động như kinh doanh bảo hiểm, điện ảnh, thống kê. Bên cạnh đó các dự án luật này cũng tăng cường việc xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động vững mạnh và tinh nhuệ. Vì vậy, công tác chuẩn bị, thẩm tra các dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị từ rất sớm, rất xa.
“Thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã vào việc rất sớm, cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo của Chính phủ, đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ động họp, cho ý kiến về những định hướng lớn, những vấn đề, yêu cầu, nội dung phải đạt được trong các dự án luật lần này. Sau đó, các đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc đã cho ý kiến lần thứ hai. Vừa rồi, các Ủy ban đã họp Thường trực mở rộng để hình thành các báo cáo thẩm tra sơ bộ đối với các dự án luật để chuẩn bị cho phiên họp lần này”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Tuy nhiên, nhằm hoàn thiện kỹ lưỡng hơn nữa để chất lượng các dự án luật đạt được kết quả như mong đợi, khắc phục tình trạng “luật ống” “luật khung”, tuổi thọ của luật ngắn, sửa đổi, bổ sung chưa bao quát hết các vấn đề trở nên có thể dẫn đến trường hợp vừa sửa xong luật đã phát sinh vấn đề mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sâu hơn nữa đối với mỗi dự án, trong đó tập trung phân tích, đánh giá tác động đầy đủ, xem xét các chính sách mới để đảm bảo hợp lý, chặt chẽ, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, phù hợp với thực tế
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện công tác giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo: Tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của năm 2021; kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội tháng 8/2021.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hầu hết các nội dung trên là những báo cáo thường niên mà các cơ quan phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về những hoạt động thuộc phạm vi, lĩnh vực của mình theo quy định của pháp luật. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát này, bảo đảm chất lượng các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề chủ yếu gồm: Các hồ sơ, tài liệu đã tuân thủ đúng theo yêu cầu của pháp luật chưa, đánh giá về mức độ rõ ràng, hợp lý của các nhận định, tính cụ thể, thống nhất của số liệu trong mỗi báo cáo, giữa các báo cáo với nhau, vấn đề gì cần sửa đổi, bổ sung, cố gắng lọc ra kết quả nổi trội, những tồn tại, hạn chế, yếu kém, những điểm mới, trọng tâm, cần lưu ý.
"Qua việc xem xét, đánh giá các báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của các cơ quan đã phù hợp với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và chủ trương, định hướng lớn, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao hay chưa. Đồng thời, cũng cần thảo luận sâu, kỹ lưỡng hơn nữa về các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, dẫn tới những hạn chế để tìm ra những giải pháp đúng đắn, đúng trọng tâm, mang lại hiệu quả cao", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Bên cạnh việc cho ý kiến về các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát các chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 để việc triển khai hoạt động giám sát chuyên đề được chủ động, đạt kết quả và chất lượng.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình Quốc hội quyết định một số vấn đề quan trọng khác: Việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, đề án đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét, cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch COVID-19; xem xét, ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại một số quốc gia; xem xét về việc ký điều ước quốc tế có nội dung Việt Nam cung cấp văn phòng làm trụ sở làm việc cho Tòa trọng tài thường trực (PCA).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Nội dung này đã được cho ý kiến bước đầu phiên họp trước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất một số vấn đề cơ bản. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận kỹ hơn về 3 phương án tổ chức kỳ họp, chương trình, nội dung cụ thể để đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế, diễn biến của công tác phòng, chống dịch.
“Phiên họp có tổng khối lượng công việc lớn với hơn 9 ngày làm việc, tập trung nhiều nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Do đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần làm việc hết sức tập trung, cố gắng cao nhất hoàn thành chương trình theo thời gian dự kiến, bảo đảm các nội dung trình Quốc hội đạt chất lượng cao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).