Mệt mỏi, kiệt sức, ngất xỉu và hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm dịch vụ 182 phố Lương Thế Vinh, Hà Nội từ đêm 24 đến sáng 25/12 vừa qua đã chứng tỏ tình trạng “cung không đủ cầu” vaccine 5 trong 1 dịch vụ đã lên đến đỉnh điểm. Đáng nói hơn, trong điều kiện khoa học phát triển, Việt Nam mở rộng hội nhập quốc tế… mà tình trạng khan hiếm hàng hóa lại xảy ra nghiêm trọng hơn cả thời bao cấp. Thực tế này đặt ra một câu hỏi lớn về những toan tính, vụ lợi của những người có trách nhiệm trong việc cung cấp vaccine dịch vụ ra thị trường.
Tình trạng khan hiếm vaccine dịch vụ không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã xảy ra từ nhiều năm nay. Liệu có phải chúng ta không có tiền hay loại vaccine này quá khan hiếm dẫn tới việc nhập khẩu quá khó khăn? Câu trả lời là “Không”. Vì thời gian qua nhiều nước trên thế giới vẫn được Công ty của Pháp phân phối đủ vaccine và tại Pháp cũng không thiếu vaccine này. Hay vì chúng ta sợ nhập về bị “ế” không bán được hàng thì thua lỗ? Cũng không phải vì thực tế loại vaccine này là hàng hiếm, đang được nhiều phụ huynh săn lùng. Ngành y tế hoàn toàn có thể chủ động tính toán được lượng vaccine để đặt hàng nhà sản xuất và nhập về.
Mỗi năm nước ta có 1,7 triệu trẻ em ra đời. Trong đó 10% số trường hợp có nhu cầu tiêm vaccine phối hợp tại các cơ sở dịch vụ, tức là khoảng 170.000 trẻ em. Nếu mỗi trẻ em tiêm đủ 3 mũi vaccine như khuyến cáo thì mỗi năm nhu cầu vaccine 5 trong 1 dịch vụ là khoảng 500.000 liều. Việc Bộ Y tế “dập dòm” cho nhập khẩu và công bố số lượng liều vaccine sẽ cung cấp ra thị trường thì chỉ cần em bé học lớp 2 cũng biết là sẽ thiếu vaccine cung cấp ra thị trường. Cụ thể, theo Bộ Y tế, từ nay đến tháng 2/2016 sẽ có 200.000 liều vaccine 5 trong 1 dịch vụ được cung cấp.
Việc nhập khẩu vaccine được thực hiện theo Nghị định 187/2013 ngày 20/11/2013 của chính phủ quy định các doanh nghiệp được nhập khẩu không giới hạn số lượng, giá trị và không phải xin phép Bộ Y tế mà chỉ căn cứ vào nhu cầu của thị trường. Nếu đọc qui định này thì không biết lý do vì sao lại thiếu vaccine dịch vụ trầm trọng như vậy? Cánh cửa trong nước đã “mở toang” đến thế kia mà. Thế nhưng, thực tế không phải công ty nào cũng có thể nhập khẩu các loại vaccine này dù có giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp và chỉ có người trong cuộc mới hiểu được bản chất của vấn đề.
Trên thế giới hiện có tới sáu nhà sản xuất vaccine cộng hợp, vậy tại sao Việt Nam chỉ cho nhập sản phẩm của hai hãng sản xuất là Sanofi Pasteur và GSK?
Không có lý do gì để hạn chế việc nhập khẩu vaccine 5 trong 1 để đến nỗi ai có con nhỏ cũng sợ không “tranh” được phần. Thực tế thời gian qua, nhiều gia đình có điều kiện vẫn đưa con sang Sigapore, Thái Lan tiêm vaccine dịch vụ. Thêm một lần nữa, Bộ Y tế lại tạo cơ hội cho “chảy máu ngoại tệ” trong lĩnh vực mình quản lý.
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở Y tế TP HCM đã thẳng thắn nêu ra thực trạng: “Cơ chế xin cho trong nhập khẩu và nhiều vấn đề khác đã tạo ra khủng hoảng về lòng tin… Việc nhập khẩu như thế nào phải minh bạch, không để tình trạng thừa nước đục thả câu.”
Những biến cố trong việc tiêm phòng vaccine thời gian qua đã làm giảm sút lòng tin của người dân. Mặc dù Bộ Y tế ra sức trấn an người dân nhưng xem ra việc lấy lại lòng tin còn nhiều gian nan bởi trong lúc chưa khôi phục được lòng tin thì ngành Y tế lại tiếp tục tạo ra “khủng hoảng” cho chính mình và khách hàng. Hậu quả thì thế hệ tương lai phải gánh chịu.
Theo VOV