Khi thầy và trò 'vênh' nhau

[Ngày Nay] - Chuyện 8 học sinh THPT ở thành phố Thanh Hóa suýt bị đuổi học vì nói xấu giáo viên trên mạng Facebook khiến dân tình xôn xao nhiều ngày qua. Nhưng hầu hết học sinh khi được hỏi đều thừa nhận, nói xấu giáo viên là chuyện không mới, học sinh nào cũng từng ít nhất một lần…

Suýt bị đuổi học vì nói xấu giáo viên

Sự việc bắt nguồn từ một tiết học trong tháng 10/2018, Đ.M.Tr. (lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hoá)) sử dụng điện thoại di động trong giờ học nên bị cô giáo bộ môn thu, giao lại cho cô giáo chủ nhiệm. Sau đó, cô Đậu Thị Bích (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A5) thấy trên màn hình điện thoại của em Tr. (điện thoại không khóa màn hình) hiện cuộc nói chuyện từ tài khoản Facebook có tên là “Động Cô Bích”. Cô giáo này đã xem tin nhắn và thấy nhóm có nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường, nhiều em còn có những lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự của các thầy cô trong trường. Cô Bích đã báo cáo sự việc tới lãnh đạo nhà trường. Ngay sau đó, nhà trường thành lập Hội đồng xét kỷ luật, ra quyết định kỷ luật 8 học sinh, trong đó có 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.

Dư luận nổi lên nhiều ý kiến trái chiều khiến nhà trường buộc phải thu hồi quyết định đuổi học đối với 7 học sinh mặc dù theo lý giải của hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, nhóm học sinh này thuộc diện cá biệt của trường khi có nhiều vi phạm về nội quy, nề nếp, nhiều lần “thách thức” thầy cô giáo.

Trong khi nhà trường coi chuyện nói xấu, bôi nhọ giáo viên trên FB là “chuyện tày trời”, bôi nhọ danh dự, phẩm giá giáo viên thì nhiều học sinh khi được hỏi lại tỏ ra khá… bình thường. Phùng Lâm (lớp 10 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho rằng, đề tài bàn tán của học sinh cá biệt hay không cá biệt đôi khi chỉ xoay quanh việc khen – chê một giáo viên. Đó là chuyện bình thường mà nhiều học sinh hay than thở, giãi bày với nhau… chỉ khác là câu chuyện nói xấu đó có xui xẻo “đi lạc” đến tai giáo viên trong trường hay không?

Khi thầy và trò 'vênh' nhau ảnh 1

Trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ lùm xùm đuổi bảy  học sinh xúc phạm cô giáo.

Tương tự, Lê Bích Huyền, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cũng bày tỏ, mức kỷ luật đối với 8 học sinh đưa ra ban đầu là quá nặng, nhà trường có thể phạt lao động công ích trong trường hay hạ hạnh kiểm tùy từng trường hợp cụ thể bởi giáo viên có người dở người hay, học sinh mỗi người có suy nghĩ riêng, quan điểm riêng. “Khi học sinh bức xúc về trình độ, về thái độ ứng xử không công bằng của giáo viên hay những ẩn ức phát sinh trong nhà trường thì giãi bày ở đâu, với ai nếu không phải là chia sẻ với nhóm bạn? Có trường hợp chịu đựng suốt 4 tháng nhìn cô giáo giảng dạy không nói một lời như ở trường Long Thới, nhưng cũng có người giải tỏa bằng cách nói chuyện qua Facebook, làm sao cấm?” – Huyền băn khoăn.

Tìm mẫu số chung bằng cách ứng xử hợp tình, hợp lý

Mới đây, song song với việc lùm xùm ở Thanh Hóa, ĐH Tài chính - Marketing (TP HCM) ban hành quy tắc ứng xử của người học trong trường học, trong đó có quy định nghiêm cấm sinh viên nói xấu về nhà trường và thầy cô giáo. Cụ thể, trường nghiêm cấm sinh viên sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng nhà trường; phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên. Sử dụng ngôn từ trong sáng, không nói tục, chửi thề, có hành vi và cử chỉ đúng mực, phải kính trọng, lễ phép, đúng mực. Sinh viên phải có thái độ chào hỏi, ngôn ngữ trong xưng hô thể hiện sự “tôn sư - trọng đạo”…

Quy định cấm này liệu có được thực hiện theo đúng tôn chỉ không là chuyện sắp tới, nhưng theo nhiều giáo viên, các em HS phổ thông hay mới vào ngưỡng cửa đại học đang ở cái tuổi dở dở ương ương, nhiều lúc các em có những lúc phát ngôn chưa chín chắn, hành động bột phát, học hành chểnh mảng... Đây cũng là giai đoạn các em muốn khẳng định “cái tôi” của mình, chuyện phạt hay không phạt cần phải suy xét tế nhị thay vì quy định cấm cứng nhắc hay đuổi học thẳng thừng khiến các em bị mất thể diện.

Trao đổi với báo chí, thầy Nguyễn Quốc Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, cùng một vụ việc nhưng cần căn cứ vào nhiều yếu tố để xử lý làm sao cho hợp tình, hợp lý, có tính giáo dục để học sinh sửa chữa khuyết điểm.“Việc xử lý kỷ luật học sinh là hoạt động để giáo dục học sinh. Tuy nhiên, phương pháp, biện pháp xử phạt nào mang tính giáo dục cao và đạt hiệu quả thì chúng ta phải bàn kỹ”.

Còn với TS Trần Thành Nam – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trước khi “kết án”, kỷ luật các em học sinh, giáo viên cũng cần thực hiện tinh thần “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, xem những hành vi, ứng xử của mình với học sinh có áp đặt, khiến các em “tâm phục khẩu phục” hay không? Phải có vấn đề gì khúc mắc, không phục cách giải quyết của giáo viên, thì học sinh mới có hành động như vậy”. Môi trường giáo dục không dung túng cho học sinh nói xấu thầy cô, trường học vì nó vi phạm đến đạo lý tôn sư trọng đạo, nhưng giáo viên cần phải hiểu tâm lý học sinh để ứng xử khéo léo. Dạy dỗ các em tuổi teen rất khó nhưng các thầy cô đã bước vào nghề đều phải đối mặt, phải làm sao để học sinh nhận thức được cái sai của bản thân, và không để ảnh hưởng đến tâm lý của các học sinh khác.

Ngày nay xã hội phát triển, truyền thông, mạng xã hội, cụ thể là Facebook trở thành diễn đàn mở để người đời bàn tán hàng nghìn câu chuyện, hàng trăm đối tượng khác nhau. Đương nhiên các thầy cô không nằm ngoại lệ. Chỉ tiếc rằng, không ít giáo viên bỏ qua “vũ khí” lợi hại này để đến gần học sinh hơn, hiểu những suy nghĩ, mong muốn của học sinh hôm nay. Tìm hiểu tâm tư của học sinh qua kênh kết nối cũ là hòm thư góp ý dường như không hiệu quả như nhiều trường học trông đợi.

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.