Cách đây 10 năm, một bộ xương hóa thạch của người tiền sử được phát hiện ở Nam Phi đã gây chấn động giới khảo cổ. Họ cho rằng chúng thuộc về người Australopithecus sediba, tổ tiên của loài người với những đặc điểm nguyên thủy và một số nét tiến bộ hơn. Đây được cho là chi chuyển tiếp giữa dạng người vượn Australopithecus (loài đầu tiên đi thẳng đứng) và người Homo, chết cách đây khoảng hai triệu năm.
Tới nay, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng Australopithecus sediba có mối liên hệ chặt chẽ với chi Homo, đại diện cho sự kết nối giữa người tiền sử và lớp người sau đó.
Khu khảo cổ Malapa được gọi là "Cái nôi của loài người" ở Nam Phi. Toàn bộ khu vực được phát hiện một cách tình cờ bởi cậu bé 9 tuổi Matthew Berger trong một lần chơi đùa cùng với chú chó của mình vào năm 2008.
Xương sọ của một trong hai bộ xương hóa thạch được phát hiện ở hang Malapa, Nam Phi. Ảnh: AFP. |
Sự ngẫu nhiên cách đây 10 năm đã dẫn tới kết luận quan trọng được các nhà khoa học đưa ra vào tuần này, đăng tải trên tạp chí khoa học Paleoanthropology (Cổ sinh vật học).
Phát hiện này cũng giúp giải đáp khoảng trống 900.000 năm trong lịch sử loài người, giữa bộ xương 3 triệu năm tuổi mang tên "Lucy" và bộ xương của lớp người Homo habilis, những người đã biết sử dụng công cụ trong khoảng 1,5 đến 2,1 triệu năm trước.
Kết luận của các nhà khoa học cho thấy tổ tiên loài người trong giai đoạn này "dành thời gian đáng kể ở trên cây, có lẽ để tìm kiếm thức ăn và tránh thú dữ". Nhà nghiên cứu đứng đầu dự án, ông Scott Williams đến từ Đại học New York, nhận định: "Nghiên cứu đã làm sáng tỏ cuộc sống của Australopithecus sediba và cho thấy một bước chuyển lớn trong quá trình tiến hóa vượn nhân hình".
Hai bộ xương không hoàn chỉnh, của một phụ nữ và một nam giới trẻ tuổi, đã được phát hiện một cách tình cờ vào năm 2008 tại Malapa, khu vực cách thủ đô Johannesburg của Nam Phi 45 km về phía tây bắc.
"Australopithecus" có nghĩa là "vượn phía nam", một chi người vượn sinh sống cách đây khoảng 2 triệu năm.
Phát hiện này đã gây ra tranh cãi trong cộng đồng khoa học, một bác bỏ ý kiến cho rằng 2 bộ xương đến từ một loài chưa được phát hiện trước đây, có liên kết chặt chẽ với người homo. Trong khi có những ý kiến khác cho rằng chúng thuộc 2 loài khác nhau.
Nhưng nghiên cứu mới đây đã dập tắt những giả thiết này, và chỉ ra rất nhiều điểm chung giữa 2 bộ xương hóa thạch và chi homo.
Bàn tay và bàn chân của Australopithecus sediba cho thấy những người này đã có thời gian dài ở trên cây. Bàn tay của họ cũng có khả năng cầm nắm, thậm chí còn cao cấp hơn so với người homo, gợi ý rằng họ có thể sử dụng công cụ.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh đến câu chuyện nổi bật đằng sau việc tìm thấy hai bộ xương, và nhận định các manh mối quan trọng khác trong lịch sử loài người vẫn đang được chờ đợi để phát hiện.
Khu khảo cổ Malapa. Ảnh: Wikipedia. |
"Hóa thạch đầu tiên của Australopithecus sediba được tìm ra bởi Matthew Berger, khi đó là một cậu bé 9 tuổi, tình cờ dừng lại kiểm tra hòn đá mà mình vấp phải trong khi đi đuổi theo chú chó Tau của mình ở hang Malapa.
"Hãy tưởng tượng khoảnh khắc Matthew vấp vào hòn đá, nhưng tiếp tục đuổi theo chú chó mà không để ý đến hóa thạch này".
"Nếu điều đó diễn ra, khoa học sẽ không biết về Australopithecus sediba, nhưng những hóa thạch này vẫn sẽ ở đó, bị bao bọc trong các trầm tích và vôi hóa, chờ đợi được khám phá".
"Phát hiện tình cờ về hóa thạch ở Malapa và những phát hiện tình cờ tương tự khác trong thời gian gần đây nhắc nhở chúng ta rằng, còn có rất nhiều thứ để khám phá về quá khứ tiến hóa của chúng ta", các nhà khoa học kết luận.