Đây là chia sẻ của bà Hảo trong Hội thảo “Sức khỏe và An toàn Thực phẩm đối với cộng đồng” do Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Cục An Toàn Thực Phẩm tổ chức gần đây.
Theo PGS Hảo, sữa ngoại về Việt Nam chủ yếu theo ba đường như nhập khẩu nguyên lon, nhập khẩu nguyên liệu và xách tay. Tuy nhiên, sữa xách tay là ẩn chứa nhiều rủi ro nhất bởi nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Cũng chính vì nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không có công ty nào đứng ra đảm bảo, chỉ là “lấy tín làm tin” nên đây cũng là đường mà các loại sữa giả dễ trà trộn vào nhiều nhất.
Nhiều bà mẹ cũng tin rằng “hàng xách tay” là hàng “xịn” nên tìm mọi cách mua cho được sữa ngoại “xách tay”. Tâm lý "hàng ngoại tốt hơn hàng nội", sữa ngoại được các bà mẹ tin dùng nhiều cho các con. Chính vì thế, sữa “xách tay” có mặt ở các cửa hàng tạp hóa có bán kèm các sản phẩm sữa.
Sữa bột ngoại giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần so với các dòng sữa nội nhưng phần lớn khách hàng vẫn thích mua sữa ngoại. Một số người tiêu dùng cho rằng “tiền nào của nấy”, sữa càng đắt tiền càng tốt mà không biết cần dùng loại sữa nào thì phù hợp với thể trạng của con cái mình để có hiệu quả tốt nhất.
Trong khi đó, năm 2016, thông tin về việc Công ty sữa Meiji (Nhật) cảnh báo các loại sữa Meiji tại thị trường Việt Nam không đảm bảo chất lượng, có thể là hàng giả một lần nữa gióng lên hồi chuông về chất lượng các loại sữa ngoại.
Người tiêu dùng phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với thể trạng, nhu cầu dinh dưỡng của bé. Sữa bột cho trẻ em ở mỗi thị trường thường được nhà sản xuất đưa ra mỗi công thức khác nhau để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bé sinh sống ở môi trường khí hậu và nhiệt độ ở đó.