Những đêm trắng nơi vùng biên
Để đảm bảo tuyến biên giới luôn được kiểm soát chặt chẽ, cán bộ, chiến sĩ chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 13 thuộc Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, Bộ đội Biên phòng An Giang vẫn đang siết chặt công tác tuần tra, giám sát bất kể ngày đêm.
Lực lượng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn tuần tra biên giới vào ban đêm. (Ảnh: Trần Ngọc/Thanh Niên) |
Khu vực mà các cán bộ, chiến sĩ chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 13 được phân công kiểm soát là 15,4 km đường biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia, chạy dài theo những thửa ruộng của người dân hai nước. Theo Trung úy Lương Văn Thế - chốt trưởng, thời tiết mùa khô sắp tới sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người có ý định vượt biên trái phép. Bởi thời tiết hanh nóng sẽ khiến nước trên các tuyến kênh rút xuống rất thấp, chỉ cần bước vài bước chân hoặc men theo các bờ ruộng là có thể vượt biên dễ dàng.
Do đó, ngoài việc tăng cường cường độ tuần tra, giám sát bất kể ngày đêm, lực lượng tại chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 13 còn áp dụng thêm chiến thuật “chia nhỏ khu vực”. Cụ thể, những khu vực trọng yếu sẽ được bổ sung thêm tổ trực cố định, nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, giám sát.
Nhiệm vụ ngày một khó khăn, trọng trách gánh trên vai ngày một nặng nề, nhưng các cán bộ, chiến sĩ chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 13 vẫn kiên cường chiến đấu. Bên trong những chiếc võng mùng chống muỗi buộc vội vào thân cây, là những ánh mắt đang liên tục quét qua màn đêm sâu thẳm, quyết không để lọt một trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép nào.
Lực lượng Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn (An Giang) mắc võng kiểm soát biên giới ban đêm. (Ảnh: Trần Ngọc/Thanh Niên) |
“Mình luôn yêu cầu anh em phải thật sự cảnh giác, công sức gần hai năm trời vất vả siết chặt biên giới chống dịch mà để lọt mầm bệnh qua biên giới thì coi như đổ sông đổ biển, phụ lòng tin của Đảng và nhân dân. Tình hình dịch bên kia biên giới đang diễn biến rất phức tạp nên càng phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa” - Đại úy Bùi Văn Liệt, Đồn phó Đồn biên phòng Vĩnh Nguơn nhấn mạnh.
Người dân cũng là một lực lượng quan trọng không kém
Huyện An Phú là địa phương có đường biên giới giáp Cam-pu-chia dài nhất tỉnh An Giang, với độ dài 42,5 km. Từ đầu năm 2021 tới nay, 76 tổ, chốt kiểm soát, phòng chống dịch được đặt tại tất cả vị trí trọng điểm vẫn đang được huyện duy trì. Không chỉ vậy, nhiều lực lượng khác như bộ đội, công an cũng được địa phương huy động để củng cố sự an toàn cho khu vực biên giới.
Bên cạnh việc tăng cường lực lượng tuần tra, giám sát, công tác tuyên truyền, vận động là một việc không thể bỏ qua. Theo Đại úy Phạm Văn Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hội, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhơn Hội đã tới từng nhà, từng thánh đường một để vận động bà con không xuất, nhập cảnh trái phép và tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch.
Đội phòng, chống dịch COVID-19 lưu động tỉnh An Giang đang hướng dẫn thực hiện quy định phòng, chống dịch cho người dân. (Ảnh: Tuyên giáo An Giang) |
Ông Thái Văn Hùng, một người chuyên sang bên kia biên giới để thu mua phế liệu, giờ đây chỉ chạy xe thu mua tại xã Nhơn Hội hoặc các xã lân cận. “Gặp bà con đi hái thuốc nam, làm thuê có ý định sang bên kia biên giới, tôi đều khuyên họ quay trở về. Một vài trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, tôi báo với lực lượng chức năng của xã và Đồn Biên phòng để đưa họ đi cách ly tập trung".
Anh Nguyễn Tấn Lộc, một lái xe taxi ngụ ở phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc cũng là một ví dụ tiêu biểu cho việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định phòng chống dịch tại tỉnh An Giang. Ngày 19/3, anh Lộc được một người quen biết qua zalo nhờ chở 5 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ An Giang về TP.HCM với giá 3,5 triệu đồng, nhưng anh đã từ chối. Sau khi từ chối, anh Lộc liền báo cho Công an huyện Châu Phú về trường hợp này. Lực lượng chức năng sau đó đã đưa 5 người nước ngoài đi cách ly tập trung theo quy định.
Sự phối hợp giữa chính quyền và người dân là giải pháp tối ưu nhất
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, công tác phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép nói riêng và đẩy lùi dịch bệnh nói chung chỉ thực sự hiệu quả khi có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, kết hợp cùng sự tự giác của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tặng quà, động viên lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, huyện An Phú. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang) |
Hiện nay, tại khu vực biên giới, An Giang đã và đang duy trì 187 tổ, chốt kiểm soát phòng, chống dịch, cùng sự góp sức của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ Biên phòng và các lực lượng khác như công an, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên... Trong khu vực nội địa, UBND tỉnh thành lập 11 tổ công tác thay mặt Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng này sẽ thường xuyên đi kiểm tra và thực hiện vận động, tuyên truyền người dân chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh An Giang cần phải xây dựng thêm những kênh thông tin tại các xã, thị trấn biên giới và các Đồn biên phòng. Đây sẽ là phương tiện rất hữu hiệu để người dân tố giác các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép với cơ quan chức năng.
"Nếu mỗi người dân, mỗi gia đình là 'tai mắt' cùng với chính quyền trong phòng, chống dịch, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập từ ngoài vào sẽ được ngăn chặn," chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình khẳng định.