Các chuyên gia về hiểm họa địa chất đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương đã thống nhất thành lập một cơ quan khu vực về hiểm họa địa chất nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các mạng lưới hiểm họa địa chất khác nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng các chính sách tài chính hóa rủi ro thiên tai và các công cụ liên quan.
Quyết định này được thông qua tại cuộc họp khu vực lần thứ hai về hiểm họa địa chất do UNESCO tổ chức tại Apia từ ngày 24/2-28/2/2025, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Samoa.
Cơ quan khu vực này cũng sẽ tạo điều kiện cho các cán bộ phụ trách quản lý rủi ro thiên tai quốc gia ở các quốc đảo và vùng lãnh thổ Thái Bình Dương có không gian để tăng cường hiểu biết lẫn nhau về các rủi ro do động đất, phun trào núi lửa, sạt lở đất và sóng thần gây ra. Với sự hiểu biết sâu hơn về tác động của các hiểm họa địa chất đối với khu vực, các chuyên gia Thái Bình Dương sẽ có vị thế vững chắc hơn trong việc đóng góp xây dựng các chính sách và pháp luật nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và cải thiện công tác ứng phó và phục hồi.
Ngày 2/4, ông Jiuta Korovulavula, cán bộ chuyên trách quốc gia của UNESCO về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Cảnh báo sóng thần, hiện đang làm việc tại Suva, Fiji, đã trình bày quyết định này cùng các nội dung liên quan tại cuộc họp thường niên của các nhà quản lý thiên tai và tình trạng khẩn cấp Thái Bình Dương ở Nadi, Fiji - một cơ quan trực thuộc Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC). Ông cũng sẽ trình bày kết quả này tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Khí tượng Thái Bình Dương vào cuối năm nay. Hội đồng này là cơ quan trực thuộc Chương trình Môi trường Khu vực Thái Bình Dương (SPREP).
Trước khi cơ quan khu vực về hiểm họa địa chất chính thức được thành lập, 17 quốc gia thành viên sẽ cần thuyết phục SPC, SPREP và các thành viên liên quan khác thuộc Hội đồng các Tổ chức Khu vực Thái Bình Dương (CROP) - một cơ quan trực thuộc Diễn đàn Các nhà Lãnh đạo Thái Bình Dương - về tầm quan trọng của việc thành lập cơ quan này nhằm tăng cường tính liên kết khu vực Thái Bình Dương. Lập luận được đưa ra là việc tập trung hóa tri thức, chuyên môn và nguồn lực khu vực thông qua cơ quan này sẽ giúp nâng cao hiệu quả cung cấp hàng hóa và dịch vụ ở cấp khu vực.
Tại cuộc họp ở Apia, Vanuatu đã tình nguyện dẫn đầu trong việc tư vấn cho các cơ quan thuộc CROP về nhu cầu thành lập một cơ quan khu vực về hiểm họa địa chất. Ngay sau hội thảo, ông Levu Boaz Antfalu, Giám đốc Cơ quan Khí tượng và Hiểm họa địa chất Vanuatu, đã nhanh chóng trình bày những kết quả chính của hội thảo với ông Ralph Regenvanu, Bộ trưởng Bộ Thích ứng Biến đổi Khí hậu, Khí tượng và Hiểm họa địa chất, Năng lượng, Môi trường và Quản lý thiên tai quốc gia của Cộng hòa Vanuatu, người đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn.
Vanuatu vẫn đang gượng dậy sau trận động đất tàn phá Đối với các chuyên gia từ Vanuatu tham dự hội thảo tháng 2, trận động đất mạnh 7,3 độ richter tàn phá thủ đô Port Vila của họ vào ngày 17/12 vẫn là một vết thương chưa lành. Trung tâm thương mại thành phố vẫn bị phong tỏa và vắng bóng người suốt bốn tháng qua do mức độ thiệt hại cấu trúc nghiêm trọng. Các vụ sạt lở đất do động đất gây ra đã phá hủy nặng nề nhà cửa, đặc biệt là khu dân cư. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc ước tính thảm họa đã ảnh hưởng tới khoảng 80.000 người - tương đương một phần tư dân số cả nước - nhiều người trong số đó buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Ông Fidel Zebeta, Cán bộ cấp cao về Kế hoạch và Nghiên cứu thuộc Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Vanuatu, đã chia sẻ với các chuyên gia tại hội thảo của UNESCO vào tháng 2 rằng ông và các đồng nghiệp đã phải ngồi trên thùng xe tải đi qua thủ đô đổ nát để thông báo qua loa phóng thanh cho người dân biết phải làm gì và đi đâu sau khi hệ thống viễn thông hoàn toàn ngưng hoạt động ngay sau trận động đất.
Tiến sĩ Nair Bedouelle đã gọi các đội quản lý thiên tai quốc gia trong khu vực là “những anh hùng thầm lặng”. Bà nói: “Các bạn là những anh hùng thầm lặng, thường làm việc phía sau hậu trường - nhưng giống như mọi người hùng, các bạn mang đến sự bảo đảm và hỗ trợ mà cộng đồng cần khi thế giới của họ đột ngột sụp đổ”.
Hướng tới một chiến lược khu vực về hiểm họa địa chất Cuộc họp tháng 2 cũng quyết định xây dựng một chiến lược khu vực về hiểm họa địa chất nhằm xác định các lĩnh vực ưu tiên cho chương trình khu vực và thúc đẩy sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan hiểm họa địa chất quốc gia để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trong phát biểu bế mạc hội thảo, bà Shamila Nair, Trưởng Văn phòng Khu vực UNESCO tại các quốc gia Thái Bình Dương ở Apia, nhấn mạnh: “Chúng ta nên tận dụng động lực hiện tại về khả năng chống chịu hiểm họa địa chất để phát triển một hệ thống cảnh báo sớm đa hiểm họa”. Điều này đòi hỏi sự liên kết giữa nỗ lực xây dựng chiến lược khu vực về hiểm họa địa chất với sáng kiến “Cảnh báo sớm cho mọi người” của Liên Hợp Quốc và Chương trình Thời tiết Sẵn sàng của SPREP, tập trung vào các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và hạn hán.
Mạng lưới hiểm họa địa chất Thái Bình Dương hội tụ tại hội thảo Việc có mặt gần như đầy đủ các chuyên gia hiểm họa địa chất từ các quốc gia và vùng lãnh thổ Thái Bình Dương tại cùng một địa điểm - trong bối cảnh đi lại giữa các đảo trong khu vực thường rất xa xôi và khó khăn - là cơ hội hiếm có.
Các chuyên gia đã tranh thủ thời gian ở Apia để tổ chức cuộc họp thường niên của các mạng lưới khu vực tương ứng về động đất, núi lửa, sạt lở đất và sóng thần. Các cuộc thảo luận trong những cuộc họp này đã góp phần hình thành các khuyến nghị và kết quả của hội thảo.
Một nhóm làm việc đã tổ chức cuộc họp thường niên của Mạng lưới Địa chấn Khu vực Châu Đại Dương, nhóm khác tổ chức cuộc họp thường niên của Mạng lưới Núi lửa Melanesia, nhóm thứ ba tổ chức cuộc họp thường niên của Mạng lưới Sạt lở đất các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhóm thứ tư - Nhóm Công tác Khu vực về Hệ thống Cảnh báo và Giảm nhẹ Sóng thần của các Quốc gia và Vùng lãnh thổ Thái Bình Dương - đã tổ chức cuộc họp lần thứ 10. Hệ thống này do Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO điều phối.
Tinh thần đoàn kết Tinh thần đoàn kết giữa các chuyên gia hiểm họa địa chất tại Apia vào tháng 2 vừa qua là điều có thể cảm nhận rõ. Trong chuyến đi thực địa vào ngày cuối cùng của hội thảo tới trạm quan sát động đất do các đồng nghiệp Samoa vận hành, các nhóm đến từ Fiji và Polynesia thuộc Pháp phát hiện một ứng dụng theo dõi động đất tại đây đã lỗi thời. Họ nhanh chóng xác định được nguồn gốc sự cố và sửa chữa ứng dụng trước khi rời Samoa trong tuần đó.
Trước khi các chuyên gia rời Apia trở về nước, bà Shamila Nair-Bedouelle đã nhắn nhủ: “Trước những thách thức mà các bạn đang đối mặt, tôi muốn chia sẻ một câu nói của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: ‘Đừng đánh giá tôi qua những thành công, mà hãy đánh giá qua số lần tôi gục ngã và đứng dậy’. Trong hành trình cứu lấy cộng đồng và xây dựng khả năng chống chịu, thông điệp này vô cùng ý nghĩa”.
Hội thảo tại Apia có sự hỗ trợ của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai, Viện Nghiên cứu Động đất Đại học Tokyo, SPC và Chương trình Thời tiết Sẵn sàng của SPREP. Các tổ chức này đều cử đại diện tham dự hội thảo.