Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhã - Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nghi lễ Trung ương, trụ trì Tổ đình Trấn Quốc cho biết: Cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, bang Bihar, Ấn Độ là nơi Đức Phật ngồi thiền thành đạo. Sự giác ngộ của Ngài đã đem đến cho nhân loại một thông điệp về hòa bình và con đường giải thoát khổ đau cho nhân sinh bằng phương pháp tu tập Giới-Định-Tuệ, tăng trưởng lòng từ bi và trí tuệ. Cây bồ đề là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật nên còn được gọi là “cây Giác Ngộ”. Cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo đã trở thành một trong những thánh tích quan trọng của Phật giáo cũng như của nhân loại, đồng thời là nơi mong muốn được trở về một lần trong đời của tăng, ni, phật tử trên thế giới và trở thành biểu tượng tâm linh gắn liền với Phật giáo.
Cách đây đúng 60 năm, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad đã thân hành mang cây bồ đề được chiết tại cây bồ đề linh thiêng nơi Đức Phật thành đạo trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cây này đã được trồng tại chùa Trấn Quốc. Nhiều lãnh đạo cấp cao Ấn Độ khi có chuyến thăm chính thức Việt Nam, đều qua chùa Trấn Quốc để lễ Phật và chiêm bái cây bồ đề, biểu tượng của tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Ấn Độ. Trong những năm qua, cây bồ đề luôn được chăm sóc chu đáo. Hiện nay, nhà chùa đã ươm trồng hơn 300 cây từ cây bồ đề này và được trồng ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là quần đảo Trường Sa, các nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia, các di tích lịch sử.
Hòa thượng Thích Thanh Nhã khẳng định, lễ kỷ niệm 60 năm Tổng thống Ấn Độ Rajenda Prasad trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cây bồ đề được trồng tại chùa Trấn Quốc nhằm tiếp tục thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước. Đây cũng là cơ hội giao lưu, quảng bá những giáo lý của Đức Phật vì hòa bình, thịnh vượng và sự hòa hợp trên toàn thế giới.
Bày tỏ vui mừng khi tham dự buổi lễ ý nghĩa này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma khẳng định, cây bồ đề tại chùa Trấn Quốc chính là một biểu tượng của sự kết nối văn hóa và văn minh lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam. Theo Đại sứ Pranay Verma, sự ra đời của Phật giáo tại Việt Nam, truyền bá từ Ấn Độ gần 2.000 năm trước là sự kiện quan trọng, tạo ra sự kết nối văn minh giữa hai xã hội, tạo nên mối liên kết triết học và tinh thần tiếp tục củng cố tình hữu nghị giữa Ấn Độ và Việt Nam qua thời gian.
Bày tỏ vinh dự khi nhiều học giả Phật giáo từ Việt Nam đã chọn đến Ấn Độ để hành hương và nghiên cứu Phật giáo, Đại sứ Pranay Verma cho rằng, đây là những mỏ neo văn hóa trong mối quan hệ của hai nước, tạo nên mối liên kết mạnh mẽ trong việc phát triển và lan tỏa tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ ngày càng mạnh mẽ hơn.