Để bước vào khu tiếp tân của ký túc xá Yoshida, khu nhà ở tồn tại 105 năm của Đại học Kyoto (Nhật Bản), bạn sẽ phải đi qua một đoạn đường ngắn với những cây bạch quả cao to ở hai bên, theo Japan Times. Một vài chiếc xe đạp dựng ở đó trông như thể đã đứng im lìm tại chỗ bằng khoảng thời gian người ta phải học để lấy bằng tiến sĩ. Cánh cổng gỗ cổ lỗ sĩ là lối dẫn vào một thế giới khác, nơi có khói thuốc váng vất trong không khí, nơi mà tinh thần học tập và sự quyết tâm của sinh viên hòa lẫn trong tiếng mèo kêu, gà gáy.
Yoshida Ryo (chữ “ryo” là cách gọi "ký túc xá" trong tiếng Nhật) giống một viện bảo tàng, với những mảnh ghép lịch sử và mảnh rác vụn vương vãi khắp nơi. Nó cũng là một nơi không giống bất kỳ khu ký túc nào khác: được quản lý bởi sinh viên, tổng chi phí một tháng chỉ 2.500 yen (hơn 500.000 đồng), nhà vệ sinh chung cho cả nam và nữ.
Lối vào ký túc xá Yoshida. Ảnh: Victor Chaix |
Ngày 30/9, Đại học Kyoto muốn tất cả sinh viên, gồm hơn 170 người, dọn ra khỏi Yoshida. Khu ký túc xá bằng gỗ ọp ẹp được đánh giá là mối nguy lớn đối với sinh viên, đặc biệt khi xảy ra động đất mạnh. Đây có lẽ là điểm duy nhất mà cả trường đại học và sinh viên của khu ký túc đồng tình. Không có móng, khu nhà ở và 100 năm lịch sử của nó sẽ đổ sụp khi thiên tai ập đến.
Tuy có thời hạn cụ thể để rời đi, sinh viên đã tự quyết không nhúc nhích. Ở một mức độ nào đó, Đại học Kyoto chắc chắn biết điều này. Từ cuối những năm 1970, lãnh đạo trường đã tìm cách đóng cửa ký túc xá. Ngày 31/3/1986, do sự xuống cấp trầm trọng, trường tiếp tục ra thời hạn để sinh viên chuyển ra ngoài. Nhưng họ không tuân lệnh.
Đó là một cuộc chiến vài năm sục sôi một lần và trong khi trường một lần nữa yêu cầu “sinh viên phải dọn đi”, họ thể hiện quyết tâm ở lại. Trên con đường chính bên ngoài ký túc xá, một tấm biểu ngữ được giăng qua hàng rào, viết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh: “Ký túc xá Yoshida đang tìm kiếm sinh viên mới”.
Ưu điểm vượt trội
Kể từ khi thành lập năm 1913 như một nơi cư trú cho nam sinh Đại học Kyoto, ký túc xá Yoshida đã được tự quản. Trách nhiệm chọn người vào ở cũng thuộc về sinh viên. Năm 1985, ký túc xá bắt đầu chấp nhận sinh viên nữ, và sinh viên ngoại quốc được mở cửa chào đón vào năm 1990.
Những cư dân trong quá khứ của ký túc xá Yoshida bao gồm nhà vật lý đoạt giải Nobel Isamu Akasaki; nhà báo và biên tập viên tờ Sunday Mainchi - Takao Iwami; Shiro Ishii - Tổng Y sĩ của Lục quân Đế quốc Nhật Bản kiêm chỉ huy của đơn vị 731, đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa sinh nổi tiếng thời Thế chiến thứ hai.
Bên cạnh vẻ ngoài không giống bất kỳ khu ký túc xá đại học hiện đại nào, Yoshida sở hữu bầu không khí khác biệt. Cấu trúc phân cấp trong nhiều ký túc xá đại học ở Nhật Bản đã được san bằng, và họ đã bỏ qua các nghi thức lịch sự đi kèm với nó.
Không gian sống của sinh viên trong ký túc xá Yoshida. Ảnh: Victor Chaix |
Với một số sinh viên, sức hấp dẫn của ký túc xá là lịch sử lâu đời, là thái độ “sống và để cho người khác sống” (tôn trọng sự khác biệt), cách tổ chức và sự tiến bộ của nó. Ngoài ra còn rất nhiều điều thú vị ở Yoshida, gồm những sự kiện thường niên như cuộc chạy đua ở sông Kamo.
Đối với những người khác, ưu điểm lớn nhất là mức giá bốn con số: 2.500 yen (400 yen tiền thuê phòng, 1.600 yen cho chi phí sinh hoạt và 500 yen cho hội sinh viên). Để dễ so sánh, khu nhà ở quốc tế Yoshida ngay cạnh ký túc xá trăm tuổi này có phí thuê phòng từ 38.000 yen trở lên cho một tháng, gấp 15 lần.
“Ọp ẹp, dột nát, bẩn thỉu”
Năm 2010, CNN có bài báo với tiêu đề: “Ký túc xá Yoshida: Ọp ẹp, dột nát và hết sức bẩn thỉu”, đăng kèm nhiều bức ảnh ghi lại trạng thái của khu nhà ở cũ kỹ lúc bấy giờ. Khi đặt cạnh những hình ảnh ghi lại từ chuyến thăm gần đây, không có thay đổi nào đáng kể, ngoại trừ việc sinh viên tỏ ra khó chịu hơn với truyền thông. Họ muốn lên mặt báo, nhưng không phải theo hướng tiêu cực.
Khi Sophia Yates, sinh viên chính trị năm cuối của Đại học Melbourne (Australia), đến ở ký túc xá Yoshida vào năm 2016, động lực chính của cô rất dễ hiểu. Cô muốn ở trong không gian càng nhiều sinh viên bản xứ càng tốt để cải thiện tiếng Nhật của mình.
Giống nhiều sinh viên ngoại quốc khác, Yates đã xem hình của ký túc xá trên Internet trước khi chuyển đến, nhưng vẫn khá sốc khi tận mắt chứng kiến sự dơ dáy của nơi này. Dù vậy, Yates vẫn muốn làm điều gì đó khác biệt.
“Tôi biết ký túc xá này giống như một nơi chống lại các nguyên tắc xã hội và thực sự rất kỳ lạ, vì vậy tôi quyết định thử sống ở đây”, cô nói. Hơn nữa, Yates nghĩ điều kiện sống phù hợp với mức giá. Cô được chấp nhận ở lại sau một cuộc phỏng vấn trong thư viện manga, nơi có cả sách, bướm và côn trùng.
Chỉ làm cư dân của Yoshida trong sáu tháng, trong đó gồm một tháng chung phòng với 11 sinh viên khác, Yates rất lưu luyến khi rời đi. “Yoshida thực sự là nơi mà ai cũng được chào đón. Chẳng hạn, ký túc xá có rất nhiều sinh viên thuộc giới LGBT, sinh viên ở mọi lứa tuổi, những người có phong cách ăn mặc kỳ quái, những người sống rất khép kín. Tất cả đều được chấp nhận. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn khác với phần còn lại của Nhật Bản”, cô nói.
Yates giữ liên lạc thường xuyên với sinh viên tại Yoshida và trợ giúp phần dịch thuật cho website của khu ký túc, trong đó nêu chi tiết về những điều khoản đang đàm phán với lãnh đạo trường đại học.
Tương lai mập mờ
Như Đại học Kyoto đã nêu rõ trong “chính sách cơ bản để đảm bảo an toàn cho sinh viên cư trú tại ký túc xá Yoshida”, trường “có trách nhiệm cung cấp cho sinh viên một môi trường học tập hiệu quả và an toàn”.
Trong gần 40 năm, trường đã báo động về việc một trận động đất lớn có thể làm tổn hại nghiêm trọng khu ký túc xá. Suốt thời gian qua, tình trạng của công trình bằng gỗ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Quan điểm của trường là để thực hiện được trách nhiệm này, Yoshida không nên nhận bất kỳ sinh viên mới nào và tất cả phải rời đi vào cuối tháng 9. Trường cũng hứa sẽ tìm chỗ thay thế cho sinh viên toàn thời gian ở trường với cùng mức giá thuê phòng tại Yoshida, trong suốt thời gian cần thiết để hoàn thành khóa học.
Tuy vậy, số phận của khu ký túc xá 105 tuổi rất mập mờ. Trường hứa “sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề của khu nhà Yoshida và đang xem xét tăng số lượng phòng ở tập thể mà nó cung cấp để sinh viên sử dụng”.
Mọi cư dân trong ký túc xá có lịch dọn dẹp chung vào chủ nhật hàng tuần, nhưng hành lang vẫn rất lộn xộn. Ảnh: Victor Chaix |
Khi báo chí liên lạc để biết thêm thông tin về kế hoạch cho khu ký túc xá cũ, câu trả lời của trường đại học giống như trên: Họ sẽ tiếp tục kiểm tra vấn đề cần xử lý. Các sinh viên ở ký túc xá Yoshida, thẳng thắn mà nói, không một ai chấp nhận thương lượng này.
Trả lời điện thoại từ Australia, Yates cho biết nhiều bạn bè của cô ở Yoshida cũng lo sợ sẽ "chết hết" khi xảy ra động đất. Nhưng họ muốn giữ lại lịch sử và kiến trúc của dãy nhà, yêu cầu sửa chữa trong khi vẫn tiếp tục sống ở đây.
Nhận xét của Yates khi bao quát tình hình có thể mang nhiều ý nghĩa: "Hãy nhìn mà xem, ký túc xá trông như một khu ổ chuột và nó ở ngay trong khuôn viên Đại học Kyoto. Đó có lẽ là điều đáng xấu hổ đối với các lãnh đạo nhà trường".
Nhà biên kịch Aya Watanabe đã chắp bút về câu chuyện ở ký túc xá Yoshida cho bộ phim truyền hình “Wonderwall” của đài NHK, tái hiện cuộc chiến của hội sinh viên ký túc xá với lãnh đạo trường đại học.
“Tôi hy vọng rằng một nơi như Yoshida Ryo sẽ luôn tồn tại trong xã hội chúng ta. Bản thân dãy nhà và tinh thần của những người trong đó là không thể tách rời. Vì vậy, nếu bạn phá hủy một trong hai, bạn không thể xây dựng lại chúng một cách dễ dàng”, Watanabe trả lời Yahoo News.
Trong khi đó, William Andrews, tác giả sách tại Nhật Bản, đánh giá câu chuyện của ký túc xá Yoshida là điển hình cho phương pháp tiếp cận vụng về của các trường đại học Nhật Bản trong vấn đề tự chủ của sinh viên.
Đại học Kyoto, khi được hỏi sẽ làm gì trong trường hợp sinh viên nhất quyết ở lại, họ trả lời, "không bình luận về điều này".