Theo dữ liệu báo cáo, trong thời gian từ tháng 12/2022-3/2023, lạm phát giá lương thực trên 5% được ghi nhận ở 70,6% các quốc gia thu nhập thấp, 90,9% các quốc gia có thu nhập trung bình - thấp và 87,0% các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Khoảng 84,2% các quốc gia có thu nhập cao đang đối mặt lạm phát giá lương thực ở mức cao. Trong số trên, nhiều quốc gia ghi nhận tỷ lệ lạm phát giá lương thực lớn hơn 10%. Dữ liệu cho thấy các nước ở châu Phi, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latinh, Nam Á, châu Âu và Trung Á đối mặt với tình trạng lạm phát giá lương thực cao nhất.
Theo WB, việc nhiều nước áp đặt thêm chính sách thương mại sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine đã khiến cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu càng trở nên trầm trọng. Báo cáo của WB cho biết, tính đến ngày 13/3, có 23 nước đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lương thực và 10 nước áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu. Hiện có 29 lệnh cấm và 14 lệnh hạn chế đang được các nước trên thực thi.
Theo báo cáo trên, sản xuất tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tiếp tục phục hồi vào năm 2022. Đây được xem là năm "bản lề" để nối lại các cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân. Trong khi đầu tư vào khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, Mỹ Latinh, Caribe và Nam Á trở lại mức trước đại dịch, thì đầu tư vào châu Âu và Trung Á lại chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng.