|
Vào mỗi dịp trung thu, làng Báo Đáp thu hút một lượng lớn du khách đến khám phá & trải nghiệm. |
Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe khách ở bến Mỹ Đình hoặc Giáp Bát để đến thành phố Nam Định. Từ đây, đi theo hướng quốc lộ 21 khoảng 8 km là đến làng Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực.
Tới thăm làng Báo Đáp vào dịp này, du khách sẽ có dịp tìm hiểu nghề làm đèn ông sao truyền thống của tỉnh Nam Định, đồng thời được hòa vào bầu không khí Trung thu rộn rã. Đây chính là nơi xuất xứ của hầu hết những chiếc đèn ông sao bán ở phố Hàng Mã từ bao đời nay.
Về đây, du khách sẽ thấy cả làng nhộn nhịp làm đèn. Khắp xóm trên xóm dưới, nhà nhà từ già tới trẻ làm đèn ông sao. Các hộ chuyên làm đèn thì bắt đầu làm đèn từ tháng giêng, khung đèn được làm sẵn rồi ép lại chất trong bếp hoặc trên gác xép đến gần Trung thu thì mới dán giấy màu buộc vành đèn và gắn cán. Trung bình một hộ nếu làm từ tháng giêng thì Trung thu xuất ra được khoảng 15-20 nghìn đèn các loại. Còn gia đình nào sát đến Trung thu mới làm thì chỉ xuất được khoảng 5-8 nghìn đèn.
|
Tới thăm làng Báo Đáp vào dịp này, du khách sẽ có dịp tìm hiểu nghề làm đèn ông sao truyền thống của tỉnh Nam Định |
Vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm: tre nứa, giấy bóng kính, và xương cây đay làm cán. Công đoạn để sản xuất một chiếc đèn ông sao hoàn toàn thủ công. Bắt đầu từ sườn khung làm bằng tre nứa cột kẽm lại với nhau, sau đó dán giấy bóng kính lên và sau cùng là công đoạn vẽ. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người dân làng Báo Đáp. Để làm ra những chiếc đèn ông sao thật đẹp thì phải ngâm tre từ rất sớm để nan có đủ độ dẻo, khi chống đèn sẽ căng tròn, không bị gãy. Đèn ông sao được chia làm 3 loại: Loại lớn có đường kính 50 cm, loại vừa 40 cm và loại nhỏ 30 cm. Do kích cỡ khác nhau nên khi chẻ nan, những người thợ phải phân loại rõ ràng. Làng Báo Đáp có nghề nhuộm, nên người dân mua những giấy bóng kính màu trắng về rồi tự tay ngâm, nhuộm giấy thành màu xanh đỏ, vàng quen thuộc. Nan tre dùng để tạo vòng tròn quanh ngôi sao cũng được quấn tua rua giấy nhuộm màu cẩn thận. Giấy bóng màu được cắt thành những cánh sao đều tăm tắp để sẵn thành từng bó. Người thợ chỉ cần quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận sao cho vừa khéo mà cánh không bị bong. Đèn sau khi dán viền, cánh xong thì dùng một thanh tre chống căng mặt đèn rồi dựng ở sân phơi cho khô, sau đó mới tháo ra bó thành từng cọc 100 chiếc mang đi bán ở khắp nơi, xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược nhiều nhất là ở Hà Nội,Hải Phòng và thành phố Nam Định.
|
Làng nghề Báo Đáp thực sự có sắc thái riêng, những chiếc đèn ông sao dân giã, có vẻ xoàng xĩnh này dưới ánh trăng đêm rằm trung thu, vẫn trở nên hấp dẫn đến lạ kỳ |
Khác hẳn với vô số các món đồ chơi trung thu ngoại nhập màu mè, tràn ngập tại các cửa hàng thì đồ chơi của làng nghề Báo Đáp thực sự có sắc thái riêng, những chiếc đèn ông sao dân giã, có vẻ xoàng xĩnh này dưới ánh trăng đêm rằm trung thu, vẫn trở nên hấp dẫn đến lạ kỳ. Nó được trẻ em cả nước mong chờ để cùng nhau rước đèn ông sao trong đêm trung thu, ngoài ra nó còn được người nước ngoài yêu thích vì chứa đựng hồn và bản sắc dân tộc Việt trong đó.
Tây Nguyên (TH)
Xem thêm:
Phú Quốc lọt top 10 hòn đảo đẹp nhất châu Á
Khám phá cực Đông tổ quốc cần chuẩn bị những gì?