Người dân làng Thủy Trầm gắn bó với nghề nuôi cá chép phục vụ người dân ngày Công, ông Táo đã nhiều đời nay. Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù còn 3 ngày nữa mới đến Tết ông Công, ông Táo nhưng bà con đã bắt đầu hút ao, chuyển cá vào trong chuẩn bị xuất bán đi các địa phương.
Ông Nguyễn Công Vui, ở khu 3, xã Tuy Lộc chia sẻ, gia đình ông có 2 ao chuyên nuôi cá chép đỏ. Cũng như mọi năm, năm nay, gia đình ông dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng trên 2 tạ cá. Toàn bộ số cá này đã được thương lái đặt mua cách đây hơn 1 tháng, dự kiến cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.
Ông Hà Công Vụ, Bí thư Chi bộ khu Đồng Minh (thuộc làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc) cho hay, gia đình ông nuôi 2 ao cá chép đỏ, mỗi ao rộng khoảng 700m2. Ông nhẩm tính, với việc cá sinh trưởng tốt và đều như năm nay, cả 2 ao của gia đình ông có thể thu hoạch được khoảng 2 tạ cá.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi cá chép, ông Vụ cho biết, các hộ phải nhiều lần “được, mất” mới rút ra kinh nghiệm cho cá chép đỏ đẻ muộn thành công. Đó là phải hạn chế cho cá ăn, để nước lưu cữu lâu. Tuy nhiên, nếu nước quá bẩn sẽ dẫn đến tình trạng cá bị ngạt khí và chết. Nước bẩn phải được khắc phục bằng việc sử dụng máy sục nước. Đối với cá đến kỳ thu hoạch, trước khi đánh bắt cá từ ao lên, chủ cá chuẩn bị sẵn túi lưới cho vào “ép” để cá thải hết lượng phân và thức ăn trong cơ thể, đồng thời giúp cá quen với môi trường chật chội, oxy thấp khi vận chuyển.
Nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến ngày nay. Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề. Hiện nay, xã Tuy Lộc có hơn 30 ha nuôi cá chép đỏ của 250 hộ dân, tạo việc làm cho trên 1.140 người. Thông thường cá giống sẽ được nuôi từ tháng 6, chăm sóc đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Cá ở đây có kích cỡ vừa phải, khỏe, màu đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng. Cá chép đỏ Thủy Trầm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, thậm chí được bán sang Trung Quốc.
Những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, xây dựng bờ ao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng. Cuối năm 2017, UBND xã Tuy Lộc quyết định thành lập “Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm” nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và cá chép đỏ nói riêng. Tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ công bố, bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thủy Trầm” cho Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm. Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang cá chép đỏ tiếp tục vươn xa.
Ông Bùi Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm cho hay, lúc đầu, người dân chỉ nuôi cá cho đẹp, sau đó bán thử vào ngày 23 tháng Chạp. Cá có sắc đỏ óng ánh như “màu phát tài phát lộc” mang lại may mắn trong dịp Tết và từ đó người người mua về cúng ông Công, ông Táo. Nhờ sinh lợi về kinh tế nên hiện nay nghề nuôi chép đỏ phát triển. Đến nay, mỗi hộ trong thôn đều có ít nhất từ 2-3 ao cá. Bà con chăm sóc và cho cá ăn thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn các loại cám kích thích khác.
Ông Bùi Văn Chữ cho biết thêm, năm nay, làng nghề dự kiến cung cấp khoảng 35 tấn cá ra thị trường, trung bình giá bán 1kg cá chép đỏ tại bờ từ 110.000 - 150.000/kg (khoảng từ 40 - 50 con/kg), trừ chi phí bình quân thu nhập 25 triệu đồng/sào.
Bà Trần Thị Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết, để làng nghề ngày càng phát triển, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống kênh mương thủy lợi, xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với cá chép đỏ Thủy Trầm. UBND xã Tuy Lộc định hướng cho người dân việc hợp tác sản xuất ổn định nhằm phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, địa phương tích cực tổ chức chuyển giao công nghệ sản xuất, nuôi trồng mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường cho các hộ dân nhằm giúp nâng cao năng suất. Đặc biệt, thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, quảng bá để thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm ngày càng lan tỏa rộng hơn.
Về thăm làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc vào những ngày này mới thấy hết không khí vui tươi, nhộn nhịp trong lao động. Từng đoàn xe tải xếp hàng chờ lấy cá, người lao động hân hoan chuẩn bị thu hoạch thành quả sau một năm làm việc vất vả. Nhờ nuôi cá chép đỏ, đời sống của nhân dân Thủy Trầm ngày càng phát triển. Cũng nhờ nghề nuôi cá chép đỏ, thôn Thủy Trầm tích cực góp phần vào xây dựng nông thôn thôn mới ở địa phương.