Theo ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Lễ hội Lồng tồng ở Hà Giang nhiều năm qua được ví như một “bảo tàng sống”, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.
Đây là một nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng phồn thực. Mỗi mùa Xuân sang, trên khắp các bản làng của dân tộc Tày, người dân lại tưng bừng, rộn ràng đón chờ ngày hội. Lễ hội nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhà nhà khỏe mạnh, no ấm.
Là mảnh đất địa đầu biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hội tụ 19 dân tộc anh em cùng chung sống; nơi đây luôn được đánh giá có sự đa dạng văn hóa cao, mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có những nét văn hóa đặc trung, riêng biệt và rất độc đáo.
Đến với Hà Giang trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, du khách sẽ được thưởng thức, chiêm ngưỡng Lễ hội Lồng tồng - một lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, độc đáo, giá trị nhân văn của dân tộc Tày.
Ở Hà Giang, dân tộc Tày có dân số đông thứ hai sau dân tộc Mông. Đồng bào dân tộc Tày hiện có khoảng 170.000 người, chiếm khoảng 25% dân số trong toàn tỉnh. Người Tày sống ở các bản ven các thung lũng, triền núi thấp vùng thượng du, nơi có nguồn nước suối trong mát, tập trung ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Mỗi bản có khoảng 15 đến 20 nóc nhà, nhiều bản có tới hàng trăm nóc nhà. Đồng bào dân tộc Tày chủ yếu trồng lúa nước, nhà sàn của họ cao ráo, thoáng mát.
Trải quan nhiều thế hệ, ngày nay người Tày ở Hà Giang vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện qua các lễ hội truyền thống. Theo phong tục, thu hoạch xong lúa mùa, vào những ngày sau Tết Nguyên đán, từ mùng 6 Tết đến ngày rằm tháng Giêng hàng năm là ngày tổ chức Lễ hội Lồng tồng, một lễ hội mang tính tập thể, sinh hoạt cộng đồng.
Xuân Nhâm Dần, mặc dù thời tiết mưa, giá lạnh nhưng ngay từ rất sớm ngày mùng 6 Tết, tại xã Quang Minh (huyện Bắc Quang) - nơi diễn ra Lễ hội Lồng tồng đã đón đông đảo người dân và du khách thập phương đến tham gia lễ hội.
Lễ hội Lồng tồng có hai phần là phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ chủ yếu là cúng tế trời đất và thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, con người khoẻ mạnh, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu.
Bà con dân tộc Tày ở các thôn bản trong toàn xã đã cùng nhau chuẩn bị mỗi thôn một mâm cỗ cúng gồm xôi, gà, thịt lợn, bánh chưng, cặp bánh chưng Tày và các loại bánh dày, bánh khảo, cơm lam, xôi ngũ sắc...
Các mâm lễ được xếp thẳng hàng trước lễ đài. Chủ lễ là thầy mo người Tày của bản đứng trước mâm lễ khấn tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ cho dân bản một năm mới an khang tốt lành. Sau đó, lần lượt cán bộ và nhân dân các dân tộc trong xã thắp hương cúng trời đất.
Sau phần lễ là phần hội với các điệu múa đặc sắc của các chàng trai, cô gái người Tày tham gia múa khăn, múa quạt. Họ cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, thi dệt thổ cẩm, đánh yến, đi cà kheo, đánh cù, bắn nỏ, thi cấy và thi trâu cày ruộng tạo nên một không khí vui nhộn của ngày đầu xuân.
Ông Ngô Văn Hiếu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết: Lễ hội Lồng tồng là một hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của người dân trong sự hoà hợp trời đất, âm dương; cầu mong cho cuộc sống khoẻ mạnh, no đủ, vạn vật sinh sôi. Những trò chơi trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hoá lâu đời của nhân dân.
Gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của dân tộc trong cuộc sống của người Tày ở Hà Giang nói chung và Lễ hội Lồng tồng nói riêng là một điều rất đáng trân trọng.
Với tín ngưỡng tâm linh, Lễ hội Lồng tồng là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn, độc đáo của dân tộc Tày trong những ngày đầu Xuân mới ở Hà Giang. Qua đó, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).