Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo trên trong báo cáo hằng năm về chất lượng không khí và khí hậu công bố ngày 7/9. WMO nhấn mạnh ô nhiễm kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ tác động đến đời sống hàng trăm triệu người trong thế kỷ tới, đồng thời kêu gọi hành động để kiềm chế tác hại.
Trong báo cáo của WMO, các chuyên gia đã đánh giá tác động của các đợt cháy rừng tại Siberia và miền Tây của Bắc Mỹ năm 2021 và kết luận rằng các đợt cháy này khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng đến mức "chưa từng thấy trước đây" tại khu vực Bắc Siberia. Báo cáo chỉ ra những rủi ro liên quan bụi mịn với đường kính dưới 2,5 micromet (PM2.5), coi đây là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người vì chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ thống tim mạch.
Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết các đợt cháy rừng và tình trạng ô nhiễm không khí liên quan sẽ gia tăng, kể cả khi lượng khí phát thải được hạn chế, đồng thời ảnh hưởng đến hệ sinh thái khi các chất ô nhiễm không khí từ khí quyển lắng xuống bề mặt Trái Đất.
Theo WMO, tổng diện tích rừng bị cháy trên toàn thế giới đã giảm trong 2 thập kỷ qua do số vụ cháy rừng tại các thảo nguyên và đồng cỏ giảm, song các khu vực Bắc Mỹ, rừng Amazon và Australia ghi nhận các đợt hỏa hoạn thường xuyên hơn. WMO cảnh báo chỉ riêng tình trạng khí hậu ấm lên đã khiến ô nhiễm gia tăng và chất lượng không khí suy giảm.
Ông Taalas cho biết các đợt nắng nóng gay gắt ở châu Âu và Trung Quốc trong năm nay, cùng với điều kiện khí quyển cao ổn định, ánh sáng mặt trời và tốc độ gió thấp, đã khiến mức độ ô nhiễm tăng cao. Các chuyên gia dự báo tần suất, cường độ và thời lượng của các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng, khiến chất lượng không khí ngày càng xuống cấp.
Giới nghiên cứu gọi hiện tượng này là "climate penalty" (hình phạt khí hậu) - chỉ tình trạng biến đổi khí hậu làm gia tăng sản xuất ozone trên mặt đất, theo đó tác động tiêu cực đến chất lượng không khí. Các chuyên gia lý giải rằng ở tầng bình lưu, ozone là lớp bảo vệ Trái Đất khỏi tia cực tím, nhưng khi ở gần mặt đất hơn thì ozone rất nguy hại đối với sức khỏe con người.
Chuyên gia của WMO Lorenzo Labrador cho biết nếu lượng khí phát thải vẫn ở mức cao, hình phạt khí hậu này sẽ chiếm khoảng 20% mức gia tăng nồng độ ozone trên mặt đất, trong đó khu vực châu Á đặc biệt chịu ảnh hưởng.
Trước thực trạng trên, WMO kêu gọi hành động, nhấn mạnh rằng "việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon sẽ giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm ozone nghiêm trọng có thể xảy ra trong tương lai".