Cụ thể, các vụ cháy rừng trong năm 2022 tại châu Âu đã khiến nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa, phá hủy nhiều ngôi nhà và thiêu trụi các khu rừng ở các nước như Áo, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Dữ liệu từ EFFIS cho thấy từ đầu năm đến nay có khoảng 659.541 ha rừng tại châu Âu đã bị thiêu trụi, mức cao nhất kể từ khi hệ thống này bắt đầu thu thập dữ liệu hồi năm 2006.
Theo EFFIS, châu Âu đã phải hứng chịu hàng loạt đợt nắng nóng, cháy rừng và hạn hán chưa từng có trong lịch sử mà theo giới chuyên gia về thời tiết, là do sự biến đổi khí hậu xuất phát từ các hoạt động của con người, gây ra. Những chuyên gia này cảnh báo rằng các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và dài hơn đang diễn ra tại châu lục trên và quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Ban Nha với 244.924 ha rừng bị cháy, tiếp theo là Romania (150.528 ha rừng) và Bồ Đào Nha (77.292 ha).
EFFIS đưa ra những con số trên dựa vào dữ liệu vệ tinh từ Dịch vụ Giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) của Liên minh châu Âu (EU). Dữ liệu này được công bố sau khi CAMS ngày 12/8 cho biết năm 2022 là năm kỷ lục về số vụ cháy rừng ở khu vực Tây Nam châu Âu và cảnh báo rằng phần lớn khu vực Tây Âu hiện đang trong tình trạng "cháy rừng cực kỳ nguy hiểm".
Ông Jesus San-Miguel, điều phối viên của EFFIS, cho hay "Năm 2022 là một năm kỷ lục về số vụ cháy rừng, chỉ kém năm 2017. Tình hình hạn hán và việc nhiệt độ ở mức cực cao đã ảnh hưởng đến toàn châu Âu trong năm nay và tình hình chung của khu vực là đáng lo ngại, trong khi chúng ta vẫn đang trong mùa cháy rừng”. Ông cho biết thêm kể từ năm 2010 đã có xu hướng gia tăng các vụ cháy rừng ở các khu vực Trung và Bắc Âu và những vụ cháy này xảy ra ở những quốc gia "thường không xảy ra cháy rừng trong lãnh thổ của họ". Mùa cháy rừng ở châu Âu chủ yếu do các đám cháy ở các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải tạo ra, ngoại trừ những năm như năm 2022.