Ngày 4/6, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh cần phải đảm bảo mọi người dân trên thế giới đều có thể tiếp cận với vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 một khi các nhà khoa học phát triển và điều chế thành công.
Tổng thư ký Guterres đưa ra phát biểu trên tại hội nghị trực tuyến do Anh chủ trì nhằm huy động nguồn tài trợ cho các phương pháp điều trị y tế mới.
Ông Guterres nêu rõ: "Vắcxin phải được xem là một mặt hàng chung của toàn cầu. Một loại vắcxin dành cho tất cả mọi người là điều mà ngày càng có nhiều lãnh đạo các nước trên thế giới đang kêu gọi."
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi các bên tham gia hội nghị cam kết tìm kiếm "những cách thức an toàn để tiếp tục đảm bảo các chương trình tiêm chủng vẫn diễn ra ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời đảm bảo mọi loại vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 có thể đến với người dân."
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi toàn thế giới hướng đến "một kỷ nguyên mới về sự hợp tác y tế" nhằm thúc đẩy những nỗ lực của nhân loại trong cuộc chiến chống dịch bệnh, đặc biệt tại các nước nghèo nhất thế giới.
Theo ông Johnson, việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển sẽ mang lại lợi ích cho các nước như Anh, vốn đã ghi nhận hơn 39.000 ca tử vong do COVID-19.
Thủ tướng Johnson cho rằng việc hỗ trợ các chương trình tiêm chủng định kỳ sẽ giúp hệ thống chăm sóc y tế của các nước nghèo hơn đủ khả năng đối phó và ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Thủ tướng Johnson nhấn mạnh: "Chúng ta đang chiến đấu với một kẻ thù giấu mặt. Không một ai hoàn toàn an toàn cho tới khi tất cả chúng ta đều an toàn."
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng virus SARS-CoV-2 đang tấn công tất cả mọi người, mọi quốc gia không phân biệt biên giới, chủng tộc. Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo này khẳng định cả thế giới hoàn toàn có thể cùng nhau chống lại dịch bệnh nguy hiểm này.
50 quốc gia cùng nhiều nhân vật quan trọng như tỷ phú Bill Gates đã tham gia hội nghị trên, nhằm quyên góp 7,4 tỷ USD cho Liên minh Toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI).
Trong hơn 5 năm qua, GAVI đã nỗ lực tái khởi động các chương trình tiêm chủng từng bị đình trệ cũng như cung cấp các loại vắcxin chi phí thấp cho khoảng 300 triệu trẻ em trên thế giới.
GAVI cùng các đối tác cũng sẽ phát động một quỹ tài trợ để thu mua các vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng, tăng quy mô sản xuất các loại vắcxin này và hỗ trợ việc vận chuyển tới các nước đang phát triển.
Kể từ khi khởi phát tại Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế toàn cầu cũng như nhiều chương trình tiêm chủng định kỳ.
Hồi tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và GAVI cảnh báo các dịch vụ tiêm chủng đang bị gián đoạn tại gần 70 nước trên thế giới, ảnh hưởng khoảng 80 triệu trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Giới chuyên gia nhận định tình hình này càng làm gia tăng nguy cơ các dịch bệnh khác bùng phát, trong đó trẻ em là đối tượng phải gánh hậu quả nghiêm trọng nhất.