Ban tổ chức cuộc thi Liên hoan sân khấu kịch TPHCM lần thứ nhất năm 2024 – Khát vọng phương Nam đã dự định mời các đơn vị nghệ thuật phía Bắc tham dự, nhưng không biết vì lý do nào đó mà cuối cùng chỉ có các đơn vị phía Nam dự thi.
Phong cách kịch miền Nam nhiều màu sắc
Trong 20 đơn vị góp mặt, hơn 2/3 là sân khấu tư nhân, còn lại số ít là sân khấu trực thuộc nhà nước hoặc là nửa công nửa tư. Do sân khấu xã hội hóa chiếm số lượng lớn nên những gì diễn ra cho thấy các đơn vị chọn những vở diễn dự thi hướng tới việc phục vụ cho nhu cầu khán giả thưởng thức đặc thù của sân khấu mình, nhưng vẫn bám sát tiêu chí cụ thể mà liên hoan đã đề ra.
Xin nêu ra vài ví dụ điển hình. Sân khấu Hoàng Thái Thanh, sân khấu Thiên Đăng, Nhà hát Idecaf, sân khấu Trăng… chuyên theo phong cách kịch tâm lý, kịch văn học thì chọn vở theo hướng này. Các sân khấu Thế Giới Trẻ, Trương Hùng Minh… đã xác định phong cách trẻ, vui vẻ, dễ hiểu thì chọn các vở chạm vào giới trẻ.
Nghệ sĩ Thanh Thuỷ (phải) vai người mẹ, lấy nước mắt khán giả trong Má ơi út dìa |
Không chỉ thế, sân khấu Trương Hùng Minh còn quan tâm đến đối tượng khán giả thiếu nhi qua vở đầu tư hoành tráng Mễ cốc phiêu lưu ký. Sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu Trịnh Kim Chi, sân khấu Quốc Thảo… vừa đi theo dòng kịch tâm lý, vừa theo dòng kịch cách mạng nên cũng mang đến liên hoan những vở diễn thuộc thể loại này. Nhờ thế mà cuộc thi có sự đa dạng phong cách và thể loại, nhiều màu sắc vui tươi hơn nhiều kỳ liên hoan khác.
Thêm nữa, ở các kỳ liên hoan sân khấu kịch hay cải lương diễn ra trước đó, ban tổ chức chọn một điểm diễn chung cho tất cả các đơn vị, và hầu như chỉ phát thư mời cho khán giả. Tại Liên hoan sân khấu TPHCM năm 2024 – Khát vọng phương Nam, sân khấu nào dự thi thì trình diễn tại sân khấu đó. Mỗi sân khấu đều bán vé bình thường cho khán giả, và chỉ dành đủ vé mời cho hội đồng giám khảo cũng như khách mời danh dự. Qua quan sát sơ bộ các buổi thi 3 ngày đầu tiên, số lượng vé bán ra khá tốt vì vở dự thi cho giám khảo chấm lại đúng gu khán giả mua vé xem thường xuyên của sân khấu.
Nâng cao thẩm mỹ, không đặt nặng huy chương
Sân khấu Hoàng Thái Thanh từ ngày thành lập đến nay đã tròn 14 năm. Suốt 13 năm trước, Hoàng Thái Thanh chưa từng dự thi một kỳ liên hoan sân khấu nào. Lý do vì sân khấu dù đã tạo được uy tín nhưng vẫn liên tục bù lỗ, không kham nổi chi phí di chuyển khi liên hoan tổ chức ở nơi xa TPHCM. Kỳ này, thuận tiện cả “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên bà bầu Ái Như và NSƯT Thành Hội đã mang vở hay nhất của sân khấu mình Cơn mê cuối cùng (tác giả Ngọc Linh, đạo diễn Ái Như) thi tài tại liên hoan.
Quốc Thịnh vai Trung trong vở Đồng chí, một vở kịch cách mạng được dàn dựng mềm mại không giáo điều |
Nghệ sĩ Ái Như bộc bạch: “Tôi cho rằng tiêu chí của liên hoan giúp cho các sân khấu chuẩn bị vở hay để góp mặt, và như thế mỗi nghệ sĩ ở từng sân khấu sẽ động não nhiều hơn, tạo ra nhiều vở hay hơn để không bị đánh giá thấp trước hội đồng giám khảo gồm những nghệ sĩ giỏi nghề. Từ đây, mỗi đơn vị cũng sẽ rút ra được những điều hay góp phần vào sự phát triển của đời sống kịch nghệ nói chung. Tôi cho đây là mặt tích cực của liên hoan”.
Sân khấu Thế Giới Trẻ tham dự với vở Lỡ nhớ lầm thương (tên cũ Bóng đàn ông, tác giả và đạo diễn Cao Tấn Lộc). Đây là vở cũ luôn cháy vé vì đánh vào sự thấu hiểu với người đồng tính nam, đồng thời miêu tả nhiều bi kịch lứa đôi của người đồng tính nữ. Sân khấu này còn tham dự vở Ông già đoàn lô tô (tác giả và đạo diễn Tiết Duy Hòa), một thể loại vừa hài, vừa bi, vừa có chất văn học vừa có mảng miếng vui cười phù hợp tuổi teen.
Nhà hát 5B dự thi vở Đồng chí, một vở kịch cách mạng được kể theo một lối mới có cảm xúc và không quá khô khan. Tương tự như thế sân khấu Trịnh Kim Chi dự thi với Ngày ấy cổng trời kể về sự hy sinh của các nam nữ thanh niên xung phong trong thời chiến, một vở diễn với nhiều tình huống gai góc của số phận nhân vật, thông qua lối kể chuyện mới và sinh động của đạo diễn NSND Trịnh Kim Chi. Nhà hát kịch Idecaf dự hai vở kịch văn học, gồm: Má ơi út dìa (tác giả Trung Dân, đạo diễn Thanh Thủy), và Đức thượng công tả quân Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn NSƯT Hoàng Duẩn).
Phạm Yến vai Hận, một nữ đồng tính đầy số phận trong vở Lỡ nhớ lầm thương |
Điều này cho thấy các sân khấu mang đến liên hoan những tác phẩm hay nhất, hoặc là nỗ lực tư duy dùng lối kể chuyện mới lạ không theo lối mòn. Tất cả đều hướng tới một kỳ thi đua hết mình trên tinh thần cầu tiến và lành mạnh. Nghệ sĩ Thanh Thủy đã xuất hiện trong cả vai trò đạo diễn và diễn viên trong vở Má ơi út dìa. Buổi diễn thi tài đã khiến cho nhiều khán giả thổn thức, rơi lệ vì tình mẫu tử.
Thanh Thủy, chia sẻ: “Thực ra nghệ sĩ nào cũng vui nếu đoạt được huy chương trong các kỳ liên hoan. Niềm vui ấy có thể đến từ những lý do khác nhau như được công nhận tài năng cá nhân, có huy chương để tiếp tục được xét các danh hiệu, hoặc là xác tính rằng hướng đi của sân khấu mình như thế là đúng. Tôi cũng đã từng đoạt huy chương vàng diễn viên tại kỳ liên hoan sân khấu kịch cách đây tầm 10 năm, rất vui. Nhưng nếu tại kỳ liên hoan này tôi không có huy chương, vẫn vui vẻ thôi, vì có lẽ tôi còn sơ sót gì đó. Tôi lắng nghe góp ý của mọi người”.
Trong kỳ Liên hoan sân khấu kịch TPHCM lần thứ nhất năm 2024 – Khát vọng phương Nam, rất nhiều nghệ sĩ góp mặt với tinh thần dự thi vui vẻ, lạc quan hứa hẹn một kỳ liên hoan với đúng nghĩa của từ này.