Giỗ tổ sân khấu: Một chốn lặng lẽ, một nỗi niềm riêng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ miền Nam chỉ một ít người về già có đời sống sung túc còn đa phần là nghèo và khó khăn.

Người am hiểu lý giải rằng chỉ những ai đạt vị trí ngôi sao mới lọt vào nhóm giàu trong xã hội, còn nghệ sĩ không phải là danh ca, đào chánh, kép chánh thì thu nhập bấp bênh. Thậm chí thu nhập hàng tháng của họ ít hơn người làm lao động chân tay hay mua bán nhỏ. Nhưng giàu hay nghèo thì đến ngày giỗ tổ mọi người cùng chung tinh thần uống nước nhớ nguồn, yêu nghề kính nghiệp.

Giỗ tổ sân khấu: Một chốn lặng lẽ, một nỗi niềm riêng ảnh 1

Giỗ tổ sân khấu: Một chốn lặng lẽ, một nỗi niềm riêng

Giỗ tổ sân khấu Việt Nam diễn ra vào 3 ngày 11, 12 và 13/8 âm lịch hàng năm, năm nay trùng vào 13, 14 và 15/9 dương lịch. Tại cả hai đầu Bắc Nam, hơn 10 ngày trước ngày cúng tổ đại diện các sân khấu đã phát thông báo hoặc gửi thư mời đến anh chị em nghệ sĩ, báo giới, thi sĩ, văn sĩ. Mọi người đến để thắp lên bàn thờ tổ nén hương khấn nguyện, để hàn huyên tâm sự. Tất cả nhằm hướng tới một ý nghĩa: sân khấu là thánh đường – hãy cố gắng bỏ đôi hài bẩn của mình ở ngoài thánh đường thiêng liêng ấy.

Tại phía Nam, giỗ tổ sân khấu có từ lâu, bắt nguồn từ nghệ thuật hát bội lưu truyền qua đến cải lương, dần dà ảnh hưởng sang sân khấu ca nhạc, điện ảnh, múa. Vì vậy, không khí ngày giỗ tổ những năm sau này rất sôi động. Mỗi chủ sân khấu đều tổ chức bàn thờ trang nghiêm để các nghệ sĩ đang cộng tác cúng bái.

Họ quan niệm rằng phía sau hậu trường luôn có bàn thờ tổ, thì ngày giỗ tổ phải cúng tại sân khấu để tổ chứng giám lòng thành. Đặc biệt, trong 3 ngày này, các nghệ sĩ từ mới chập chững vào nghề đến gạo cội, không cúng tại một điểm, mà di chuyển qua nhiều nơi để thắp hương và gặp gỡ bạn nghề. Họ thực sự sống trong một tâm trạng vui vẻ, trang nghiêm khác hẳn với ngày thường.

Giỗ tổ sân khấu: Một chốn lặng lẽ, một nỗi niềm riêng ảnh 2

NSND Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ TP.HCM, dâng hương cúng tổ tại sân khấu Trịnh Kim Chi

Có những nghệ sĩ danh tiếng được nhiều nơi mời đến chia vui vì đây như là ngày tết của nghệ sĩ, nhưng vốn sống kín tiếng không thích sự náo nhiệt, thì tự cúng tại nhà. Nghệ sĩ Trung Dân là một trong số đó. Anh chia sẻ: “Trong căn nhà tôi, từ thuở hàn vi đến khi hiện tại nơi trang trọng nhất là không gian thờ tự. Tại đây, tôi thờ Quốc tổ Hùng Vương, thờ Phật, thờ cửu huyền và thờ tổ nghề. Trước khi khấn nguyện, tôi tắm gội sạch sẽ, và để lòng an tĩnh rồi mới bắt đầu thắp hương. Đó là lúc tôi tĩnh tâm nhất và toàn tâm toàn ý nhất. Đó là lý do tôi thích cúng tổ tại nhà hơn là đến sân khấu, dù bàn thờ tổ sân khấu cũng thiêng liêng như thế”.

Có những nghệ sĩ nghèo và lớn tuổi, không còn được mời đi diễn nhiều, không ai mời đến một sân khấu nào đó, họ tự cúng đơn giản ở nhà một mình. Lễ cúng của họ có khi chỉ là một cái bánh, một chén chè, hay ít trái cây và nén hương. Trong chốn riêng tư và cô quạnh, họ lặng lẽ gửi lòng thành kính của mình đến tổ nghiệp.

Giỗ tổ sân khấu: Một chốn lặng lẽ, một nỗi niềm riêng ảnh 3

Danh hài Mạc Can cho rằng dù xa sân khấu nhưng trong lòng nôn nao vào ngày giỗ tổ

Cách đây ít lâu, Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TP.HCM tại quận 8 đã giải tán. NSND Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ TP.HCM đã vận động đưa được các cô chú nghệ sĩ về Viện Dưỡng lão Thị Nghè. Tại đây, họ được sống trong căn phòng sạch sẽ, được ăn uống đủ chất. Dẫu vậy, ai trong họ cũng đau đáu nỗi nhớ sân khấu, nhớ khán giả. Thế nên, ngày giỗ tổ cũng khiến họ có cảm xúc đặc biệt.

Ngày đầu của giỗ tổ năm nay, vào ngày 11/8 âm lịch tức ngày 13/9 dương lịch, NSND Bạch Tuyết cùng ca sĩ Mỹ Tâm ghé qua cúng tổ và chung vui cùng các nghệ sĩ trong Viện Dưỡng lão Thị Nghè. Nhưng hai ngày còn lại 12, 13/8 âm lịch tức 14, 15/9 dương lịch không khí trở lại lặng lẽ.

Người viết đã có mặt tại đây tầm 11 giờ trưa ngày 12/8 âm lịch. Trên bàn thờ tổ đặt ở không gian chung vẫn còn một phần thịt quay, bánh mì và trái cây được cúng, mùi nhang thơm nhè nhẹ. Các cô chú nghệ sĩ ai ở phòng nấy. Danh hài Mạc Can, bộc bạch: “Ai đã ăn cơm tổ thì đều nôn nao trong ngày cúng tổ cả. Nhưng giờ già rồi đâu có đi chỗ này chỗ kia để chia vui với anh em, đành nằm ở đây cầu nguyện vậy".

Giỗ tổ sân khấu: Một chốn lặng lẽ, một nỗi niềm riêng ảnh 4
Tài tử Huỳnh Thanh Trà lặng lẽ bên bàn thờ tổ tại Viện Dưỡng lão Thị Nghè

Tài tử Huỳnh Thanh Trà năm nay cũng tròm trèm 80 tuổi. Ông vẫn giữ được vẻ ngoài đẹp lão, nhưng hai chân rất yếu, vẫn ráng bước ra bàn thờ thắp nén hương. Ông nói: “Xa nghệ thuật thì ai cũng buồn, nhưng dù là người còn làm nghề hay nghỉ hưu thì ai cũng nhớ ngày giỗ tổ, bởi vì đây là khoảnh khắc thiêng liêng, thời điểm mà mọi người tự nhắc mình hãy sống xứng đáng với tổ nghề. Ngày trước khi vô viện dưỡng lão, vào ngày này, tôi nấu mâm cơm đơn giản cúng tổ. Giờ vào viện, chúng tôi được quan tâm chu đáo, thỉnh thoảng có các em các cháu nghệ sĩ ghé thăm, trong lòng chúng tôi rất vui. Tuy nhiên, sống xa gia đình trong lòng chúng tôi luôn có một khoảng lặng, một nỗi niềm riêng, nhất là vào ngày giỗ tổ”.

NSND Trịnh Kim Chi kiêm bà bầu sân khấu Trịnh Kim Chi là người dành nhiều tình cảm cho nghệ sĩ nghèo nói riêng và cô, chú, bác nghệ sĩ trong viện dưỡng lão nói chung. Mỗi năm, vài lần chị tặng quà và tiền cho nghệ sĩ nghèo khó khăn. Trước ngày giỗ tổ, chị cũng có buổi viếng thăm an ủi động viên các cô chú trong viện dưỡng lão. Năm nay, miền Bắc bị lũ lụt tang thương nên vào ngày giỗ tổ chị ưu tiên cho việc cứu trợ đồng bào.

Giỗ tổ sân khấu: Một chốn lặng lẽ, một nỗi niềm riêng ảnh 5

Kép chánh Lam Sơn tại phòng riêng trong ở Viện Dưỡng lão Thị Nghè ngày cúng tổ

“Chăm sóc nghệ sĩ già neo đơn là việc mà tôi đã thực hiện hơn 20 năm qua. Tôi thương các cô, chú đồng nghiệp mà không may mắn có đời sống bấp bênh, việc chia sẻ chút ít như là tri ân tổ nghiệp vậy. Chi phí từ thiện do cá nhân và bạn bè thân hữu góp sức, dần dần đến fan hâm mộ. Dẫu vài năm qua, những điều tiếng việc nghệ sĩ làm từ thiện vẫn còn dư âm rất nặng nề, nhưng tôi nghĩ cái tâm mình ngay thẳng thì mình cứ làm việc nghĩa. Mọi thứ đều được minh bạch, công khai trên mạng xã hội. Toàn bộ số tiền thu được từ anh chị em, cô chú bác trong ngày cúng tổ, chúng tôi gửi trực tiếp ra cho bà con gặp khó khăn trong vùng lũ”, NSND Trịnh Kim Chi, bộc bạch.

TIN LIÊN QUAN
Lạm phát hạ nhiệt, Fed mạnh tay giảm lãi suất
Lạm phát hạ nhiệt, Fed mạnh tay giảm lãi suất
(Ngày Nay) - Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt một cách ổn định và lo ngại ngày càng tăng về sức khỏe của thị trường lao động.
Rà soát khách quan, minh bạch mức độ thiệt hại do bão số 3
Rà soát khách quan, minh bạch mức độ thiệt hại do bão số 3
(Ngày Nay) - Tại cuộc họp ngày 18/9 về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát khách quan, minh bạch theo mức độ ảnh hưởng và phân loại đối tượng bị thiệt hại để có chương trình hỗ trợ phù hợp.
Hà Nội: Điều chỉnh giao thông trên Đại lộ Thăng Long
Hà Nội: Điều chỉnh giao thông trên Đại lộ Thăng Long
(Ngày Nay) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa ban hành thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông trên Đại lộ Thăng Long bắt đầu từ 9 giờ ngày 17/9/2024 đến khi có thông báo thay thế. Thông báo này thay cho Thông báo số 993/TB - SGTVT ngày 16/9/2024 của Sở Giao thông Vận tải.
Ảnh minh hoạ.
Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế có đang bị lạm dụng?
(Ngày Nay) - Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp hiệu quả để thu hồi nợ thuế, đảm bảo nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với nhà nước. Tuy nhiên, nếu bị lạm dụng, áp dụng tràn lan, có thể gây ra nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực vượt khó, phục hồi trong bối cảnh nền kinh tế nói chung chịu nhiều biến động. .
Cứu trợ phải “nhanh, khả thi, có trọng tâm, trực tiếp”
Cứu trợ phải “nhanh, khả thi, có trọng tâm, trực tiếp”
(Ngày Nay) - “Thương người như thể thương thân” là truyền thống quý báu của dân tộc ta, đặc biệt là sau mỗi lần xảy ra các thiên tai, địch họa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất thì việc cứu trợ phải đạt các tiêu chí “nhanh, khả thi, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng” theo nội dung Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ.
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thứ ba của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào năm 2016.
Không phân biệt cao - thấp với di sản văn hóa phi vật thể
(Ngày Nay) - Sau 23 năm Luật Di sản văn hóa và 15 năm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa đi vào cuộc sống, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024. Dự luật mới kiên trì bảo vệ quan điểm không xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.