Ngày 21/12, tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đơn vị này vừa công bố kết quả phân tích 12 mẫu nước biển và trầm tích do Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi khảo sát, lấy mẫu từ đầu tháng 12/2019 ở khu vực xuất hiện nước biển có màu cà phê tại xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Theo đó, 5/10 mẫu nước biển ven bờ có thông số tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt từ 1,2 đến 9 lần mức bình thường. Các loài tảo Silic trong các mẫu thực vật đáy (phytoplankton) lên đến hơn 420.700 tế bào/lít, trong đó loài Asterionellosis glacialis có mật độ cao nhất, lên đến 304.213 tế bào/lít.
Tất cả 10/10 mẫu nước biển ven bờ có thông số tổng hợp chất Lignin và Tanin với hàm lượng trung bình là 0,88 mg/lít, thấp nhất là 0,22 mg/lít và cao nhất là 1,74 mg/lít.
Căn cứ kết quả phân tích, lãnh đạo Tổng cục Môi trường nhận định, hiện tượng nước biển có màu cà phê là do sự xuất hiện của các loại tảo Silic với mật độ cao và có hợp chất Lignin và Tanin.
Khi loài tảo Silic bùng phát trong nước biển với mật độ cao sẽ làm thay đổi màu của nước thành màu nâu hoặc xanh lục đậm. Hiện tượng này thường không gây hại cho đời sống thủy sinh. Tuy nhiên, nếu mật độ tảo Silic quá lớn có thể làm chết động vật thủy sinh do nghẹt mang hoặc suy hô hấp.
Ngoài ra, trên vùng biển này còn xuất hiện hai chất Lignin và Tanin gây ra hiện tượng đổi màu của nước biển sang màu nâu hoặc đen. Hai hợp chất này thường phát sinh từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, chế biến gỗ, dăm gỗ và bột giấy từ dăm gỗ.
Qua việc kiểm tra khu vực biển Khe Hai, Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên xác định, vào thời điểm xảy ra hiện tượng nước biển có màu đen tại khu vực này có mưa lớn (sau cơn bão số 6), nước mưa thấm qua bãi dăm gỗ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hào Hưng và chảy ra biển.
Tổng cục Môi trường đang tiếp tục theo dõi vụ việc và hỗ trợ các cơ quan chức năng Quảng Ngãi xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.