Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó có hai phương án về tuổi nghỉ hưu. Một là giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ 55 tuổi; hai là tăng theo lộ trình mỗi năm 6 tháng, bắt đầu từ năm 2021 cho đến khi nam đủ 62, nữ đủ 60 tuổi.
Ví dụ, một lao động nam về hưu năm 2020, tuổi nghỉ hưu sẽ áp dụng như hiện nay là 60; nếu về năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 6 tháng; về hưu năm 2022, tuổi nghỉ sẽ là 61; về hưu năm 2023, tuổi nghỉ hưu là 61 tuổi 6 tháng...
So với dự thảo lần thứ nhất công bố cuối năm 2016, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đã được rút ngắn. Theo phương án cũ, phải mất 8 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62, mất 20 năm để tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60 thì nay chỉ còn lần lượt 4 và 10 năm. Nếu phương án này được thông qua, thời gian áp dụng tuổi nghỉ hưu cho nam sẽ là năm 2025 và nữ từ 2031.
6 lý do phải tăng tuổi nghỉ hưu
Trong giải trình gửi Chính phủ, Bộ Lao động dẫn 6 lý do cần tăng tuổi nghỉ hưu. Lý do quan trọng nhất là nếu giữ nguyên mức đóng - hưởng, thời gian đóng - hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối dài hạn. Theo nghiên cứu của ILO, từ năm 2023, quỹ hưu trí và tử tuất của Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái thu trong năm không đủ bù chi, phải trích từ quỹ kết dư để chi trả. Từ năm 2034 phần quỹ kết dư trả hết phải lấy ngân sách bù vào.
Vì sao quỹ hưu trí mất cân đối? |
Lý do thứ hai, nếu không nâng tuổi hưu và muốn đảm bảo tài chính bền vững của quỹ thì phải nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp, hoặc giảm mức hưởng lương hưu của người lao động. Nâng mức đóng khó vì tăng gánh nặng tài chính cho người lao động, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và khó khăn trong đảm bảo mức sống của người lao động. Giảm mức hưởng dẫn đến khó đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. Vì vậy, tăng tuổi hưu là cách tốt nhất.
Lý do thứ ba, tuổi thọ bình quân của người Việt tăng nhiều so với trước, khoảng 73 với nam và 75 với nữ. Nam giới tuổi 60 trung bình sống thêm khoảng 20 năm, nữ giới tuổi 55 trung bình sống thêm 24,5 năm, thời gian hưởng lương hưu khá dài. Trong khi nhiều người nghỉ hưu tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm.
Lý do thứ tư Bộ Lao động dẫn đánh giá của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc là Việt Nam đang chuyển từ thời dân số vàng sang giai đoạn già hóa. Tương lai nền kinh tế sẽ thiếu hụt lao động trẻ. Nâng tuổi nghỉ hưu cũng là chuẩn bị cho tương lai sau này của lực lượng lao động. Nhiều nước đã nâng tuổi hưu, có nước lên 67 để ứng phó xu hướng già hóa dân số, thiếu lao động.
Lý do thứ năm, nâng tuổi hưu để tận dụng nguồn nhân lực cao tuổi, có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao trong bối cảnh sức khỏe lao động ngày càng cải thiện.
Cuối cùng, khả năng cân đối quỹ hưu trí, tử tuất phụ thuộc vào việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, giảm trốn đóng, sử dụng hiệu quả chi phí quản lý bảo hiểm xã hội... Theo tính toán, những yếu tố này chỉ giúp quỹ kéo dài thời gian cân đối thêm 1-2 năm.
Lộ trình quá nhanh
TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động Xã hội, đồng tình việc tăng tuổi hưu phù hợp xu hướng chung của thế giới. Song các nước khi tăng thường có lộ trình kéo dài 15-20 năm, Việt Nam rút ngắn xuống còn 4-10 năm là quá nhanh. Lộ trình này sẽ tạo áp lực về việc làm cho lao động trẻ. Nếu đi theo phương án này thì Bộ phải đưa ra được bài toán "cực mạnh" để giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên.
Bộ mới nói đến áp lực phải tăng tuổi hưu mà chưa phân tích các yếu tố cản trở khi tăng. Như tuổi thọ trung bình của người Việt tăng lên 74, nhưng sức khỏe dân số lại kém. Mỗi người Việt có trung bình 12 năm ốm đau, bình quân tuổi thọ khỏe mạnh là 60,2 nên về hưu phải đối mặt với ốm đau, bệnh tật nhiều, nên thời gian hưởng lương hưu sẽ ngắn.
TS Dũng phân tích thêm, tuổi nghỉ hưu của nam 62, nữ 60 là phù hợp với các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nhưng thu nhập của người Việt còn thấp nên phương án này không thể áp dụng cho thời điểm hiện tại mà phải tính xa hơn. Phương án hợp lý là mỗi năm tăng từ 1 đến 3 tháng cho đến khi đạt được tuổi nghỉ hưu mong muốn.
Cũng theo ông, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ phù hợp với một số đối tượng làm công việc liên quan đến nghiên cứu khoa học, bác sĩ, kỹ sư bởi thời điểm về hưu cũng là lúc họ "chín" về nghề, có nhiều kinh nghiệm mà về hưu thì đáng tiếc. Còn công chức trong sự nghiệp hành chính công, giáo viên mầm non thì nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu. Khu vực lao động trực tiếp, dịch vụ, nặng nhọc độc hại thì không nên nâng tuổi nghỉ hưu, thậm chí còn phải giảm.
Người về hưu được hưởng lương như thế nào? |
"Cho đến nay, chưa có đánh giá bài bản nào về tăng tuổi nghỉ hưu tác động đến từng nhóm đối tượng. Theo khảo sát của Tổng liên đoàn lao động thì 70% công nhân muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu nhưng đó mới ở nhóm lao động trực tiếp, lao động trong khối FDI thì khoảng 40 tuổi đã bị đẩy ra rồi", TS Dũng nói.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Công nhân Công đoàn nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau vài cú sốc, cần theo dõi thêm. Hiện còn hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nên hãy khoan bàn tới chuyện tăng tuổi nghỉ hưu mà cần có đánh giá tác động của việc tăng này đến các nhóm lao động.
"Tăng tuổi nghỉ hưu thực chất là kéo dài tuổi làm việc. Chẳng lẽ lại nói với thanh niên tuổi 18-25 đang ở thời kỳ lao động vàng rằng cứ chờ đến khi các bác về hưu thì mới vào làm việc à?", ông đặt câu hỏi và cho rằng những người muốn tăng tuổi hưu không đại diện cho số đông lao động, đặc biệt là lao động trực tiếp.
Ông thông tin, trong tháng 8-10/2016, Viện đã khảo sát công nhân lao động ở cả ba miền, kết quả đều muốn nghỉ hưu sớm, không muốn tăng tuổi làm việc.
Chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đánh giá tăng tuổi nghỉ hưu để cân đối quỹ là tốt, nhưng chi phí doanh nghiệp để trả lương cho lao động thì có giới hạn. Nhiều chủ doanh nghiệp nói rằng sẽ tăng thêm robot, dây chuyền tự động hóa để thay thế con người. Bởi họ phải tính đến bài toán tồn tại như thế nào khi mức đóng BHXH đã tăng, giờ còn tăng tuổi hưu nên gặp áp lực rất lớn.
Theo ông, tăng dần mỗi năm 3 tháng như phương án cũ là hợp lý và phải phân chia cụ thể từng nhóm đối tượng. Lao động làm việc nặng nhọc thì nên giữ nguyên nam 55, nữ 50 tuổi. Khoảng 4 triệu lao động trong khối hành chính sự nghiệp, viên chức quản lý tăng trước; 9 triệu lao động khối sản xuất trực tiếp tăng sau.
"Dù theo phương án nào thì trước hết cũng cần có báo cáo đánh giá tác động tăng tuổi nghỉ hưu đến thị trường lao động, ảnh hưởng sức khỏe người lao động, quản lý quỹ ra sao... Phải có thông tin đầy đủ để khi trình luật, Quốc hội có căn cứ để cân nhắc tăng hay không", ông nói.
Theo Vnexpress