Năm 2019, thế giới dự kiến sẽ thải ra gần 37 tỷ tấn carbon dioxide, do nhu cầu về dầu và khí tự nhiên, theo báo cáo hàng năm từ Global Carbon Project, một sáng kiến nghiên cứu quốc tế.
Trong khi số liệu từ báo cáo Ngân sách Carbon 2019 cho thấy lượng phát thải dự kiến tăng 0,6% từ nhiên liệu hóa thạch trong năm nay, mức tăng này không còn nhanh như trong những năm trước.
Lượng khí thải carbon toàn cầu tăng 1,5% trong năm 2017 và 2,1% trong năm 2018, sau khi có dấu hiệu bình ổn vào giữa thập kỷ này.
"Thật khó để xem việc tăng trưởng chậm là tin tốt. Tuy nhiên, so với năm ngoái và 2017, tốc độ tăng trưởng của khí thải đã giảm đáng kể. Điều chúng ta cần là giảm chứ không phải là tăng chậm", theo ông Rob Jackson, giáo sư tại Đại học Stanford và chủ tịch Dự án Carbon toàn cầu.
Dù có đang chậm lại, nhưng hiện tượng tăng khí phát thải có nghĩa là thế giới không đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, với mục đích giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C mỗi năm.
Để đạt được điều này, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc, cho biết lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu sẽ cần giảm 45% so với mức của năm 2010 vào năm 2030 và đạt mức "0%" vào khoảng năm 2050.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo khí thải có thể tiếp tục tăng trong thập kỷ tới trừ khi các chính sách về năng lượng, giao thông và công nghiệp thay đổi đáng kể trên toàn thế giới.
"Chúng ta đang mất thời gian, nhiều năm và nhiều thập kỷ đang trôi qua và lượng khí thải carbon dioxide không có dấu hiệu giảm xuống", Jackson nói.
Các phát hiện, được công bố trong 3 bài báo khoa học, được công bố khi các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà khoa học tập trung tại Madrid để tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu COP25.
Các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ chiếm hơn một nửa lượng khí thải toàn cầu.
Nhưng những điểm sáng đến từ Mỹ và châu Âu, cả hai đều cắt giảm 1,7% lượng khí thải carbon trong năm nay, chủ yếu là từ việc giảm đáng kể việc sử dụng than. Cụ thể, Mỹ đã cắt giảm sản lượng than xuống còn 10,5% và châu Âu ghi nhận mức giảm 10% ..
"Việc sử dụng than đá ở Mỹ đã giảm một nửa trong 15 năm qua", giáo sư Jackson nói. "Đó là một quá trình chuyển đổi đáng kinh ngạc. Than được thay thế một phần bằng khí tự nhiên, một phần bằng năng lượng tái tạo".
Than đá chiếm khoảng 40% lượng khí thải toàn cầu, nhưng dự kiến sản lượng khai thác và sử dụng sẽ giảm 0,9% trong năm 2019, theo báo cáo.
Ngay cả ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số những nước gây ô nhiễm lớn nhất và nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, việc sử dụng than đã chậm lại trong năm nay.
"Trong hầu hết năm 2019, Trung Quốc và Ấn Độ không sử dụng nhiều than như dự kiến, lĩnh vực thủy điện ở Ấn Độ đã tăng trưởng kỷ lục trong năm qua do các cơn mưa lớn đã nhanh chóng thay đổi nhu cầu sử dụng than của nước này", ông Robbie Andrew - một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế CICERO ở Na Uy, cho biết.
Nhưng trong khi tổng lượng khí thải giảm ở châu Âu và Mỹ, thì tại Trung Quốc, con số dự kiến sẽ tăng 2,6% trong năm nay và 1,8% ở Ấn Độ.
Tiến sĩ Pep Canadell, Giám đốc điều hành của chương trình Ngân sách Carbon toàn cầu cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi trong sự thống trị của các nguồn phát thải khi phát thải than đang có xu hướng giảm, nhưng phát thải dầu vẫn tiếp tục tăng và khí thải tự nhiên cũng không hề kém cạnh”.
Báo cáo cho thấy việc sử dụng dầu và khí tự nhiên - phát thải ít CO2 hơn, nhưng vẫn góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, đã tiếp tục tăng mạnh. Lượng khí thải tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,6% trong năm 2019.