Biến đổi khí hậu hiện đã trở thành nguyên nhân lớn nhất khiến con người phải di cư, điều này thể hiện rõ nhất ở các quốc gia nghèo đói, mặc dù đóng góp vào tình trạng ô nhiễm carbon toàn cầu của các nước này nhỏ hơn so với các quốc gia giàu có khác.
Theo báo cáo được công bố hôm thứ Hai, con người có khả năng phải di dời nhà cửa cao gấp 7 lần do lũ lụt, lốc xoáy và hỏa hoạn so với các vụ phun trào núi lửa và động đất và gấp 3 lần so với chiến tranh.
Đây là một trong những chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP 25, bắt đầu vào thứ Hai tại thành phố Madrid.
Bão Irma gây lũ lụt tại Cuba vào tháng 9/2017. |
Tổ chức Oxfam đang kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực nhiều hơn để tài trợ các chương trình phục hồi cho các nước nghèo bị ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, chẳng hạn như Ấn Độ, có khả năng bị ảnh hưởng bởi làn sóng di cư do khí hậu cao hơn 4 lần so với các nước thu nhập cao như Tây Ban Nha và Mỹ.
Ngoài ra theo báo cáo, khoảng 80% những người di cư sinh sống tại châu Á.
Các quốc đảo đang phát triển đảo như Cuba, Dominica và Tuvalu, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, chiếm 7 trong số 10 quốc gia hàng đầu có tỷ lệ di cư cao nhất do các thảm họa thời tiết khắc nghiệt trong giai đoạn giữa năm 2008 và 2018.
Những người sống trên các đảo này có khả năng phải di cư cao gấp 150 lần bởi các thảm họa thời tiết khắc nghiệt so với những người sống ở châu Âu.
Biến đổi khí hậu buộc con người di cư
Di cư trong nước sẽ là gánh nặng tài chính cho các chính phủ, theo ông Tim Gore, người đứng đầu chính sách của Oxfam về vấn đề khí hậu và thực phẩm.
"Những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là người nghèo, người yếu thế trong xã hội và đặc biệt là phụ nữ. Hiện tượng di cư gây xáo trộn kết cấu xã hội", ông Gore chỉ ra.
Theo vị chuyên gia, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra đột ngột như lốc xoáy thu hút nhiều sự chú ý từ phía chính quyền và cộng đồng, nhưng các hiện tượng khởi phát chậm như mực nước biển dâng cao cũng có tác động tương tự và thậm chí còn trầm trọng hơn.
Ví dụ, lũ lụt ảnh hưởng đến đất nông nghiệp ở các vùng ven biển có thể khiến đất nhiễm mặn và không thể sử dụng cho việc canh tác, đẩy người dân rời khỏi khu vực này mãi mãi.
Ai sẽ đứng ra chi trả cho biến đổi khí hậu?
Oxfam đang kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giảm lượng khí thải nhanh nhất có thể. Các nước đang phát triển cũng được thiết lập để thúc đẩy sự hỗ trợ từ các nước phát triển thông qua cơ chế tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu.
Lần đầu tiên được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Warsaw năm 2013, cơ chế hỗ trợ này sẽ quy định các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển.
"Không ai được chuẩn bị để nói về vấn đề kinh phí và vì vậy đây là một trong những vấn đề quan trọng sẽ có trong chương trình nghị sự ở Madrid. Cuối cùng, rồi cũng sẽ có người phải trả giá cho những tác động từ môi trường, tuy nhiên cái giá đó hiện đang được trả bởi những cộng đồng nghèo nhất thế giới", ông Gore cho biết.
"Các nước giàu cũng không tránh khỏi nguy cơ xảy ra di dân. Biến đổi khí hậu sẽ không phân biệt đối xử với bất cứ ai", vị chuyên gia khẳng định.