Thực tế, việc cho vay nặng lãi qua các app, website đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Đặc biệt nở rộ khoảng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát khiến người dân lâm vào cảnh khó khăn.
Khi người vay chậm trả hoặc không có khả năng trả nợ, các app, website này sẽ đòi nợ bằng nhiều hình thức như liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa, chế ảnh bêu xấu lên mạng xã hội, gọi điện “khủng bố” người thân, bạn bè,...
Sau khi Ngày Nay đăng tải loạt về ma trận app vay, rất nhiều độc giả thể hiện sự bức xúc về các app, website cho vay hiện nay. Nhiều người đã chia sẻ câu chuyện người thân, bạn bè của họ bị bêu xấu, khủng bố khi lỡ dính vào tín dụng đen. Không ít nạn nhân không chịu được đã tự tử, cơ quan chức năng biết nhưng vẫn để các app này và dịch vụ đòi nợ thuê tồn tại. Thậm chí, nhiều người chia sẻ không vay nhưng vẫn bị gọi điện, nhắn tin hăm dọa, đòi nợ.
Độc giả Nguyễn Văn Rớt chia sẻ, mặc dù anh không vay mượn của ai và trên điện thoại cũng không cài đặt bất kỳ app cho vay nào. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6 vừa qua, có người lạ gọi điện cho anh Rớt, xưng là nhân viên của app Tamo, thông báo khoản nợ và yêu cầu trả tiền. Sau đó, dù không vay mượn của ai, nhưng người đàn ông này liên tục bị gọi điện, cá biệt có ngày, anh phải nhận đến 317 cuộc gọi đòi nợ, chưa kể vợ con cũng liên tục nhận được tin nhắn đe dọa.
Anh Trần Minh Đức cũng chia sẻ rằng, bị đòi nợ mấy năm nay và hiện tại vẫn bị khủng bố, một ngày mấy chục cuộc điện thoại gọi điện chửi rủa, đòi tiền. Trong khi người đứng tên vay được nhắc đến anh Đức không hề biết là ai. Một độc giả khác cũng chia sẻ đã bị đòi nợ mấy tháng nay cho vài người không quen biết, vấn nạn này sao cứ mãi không dẹp được, làm khổ người dân.
Trước sự lộng hành của hình thức cho vay online, nhiều người cũng đặt câu hỏi về công tác quản lý của nhà nước khi việc cho vay trên mạng có lãi suất cao gấp nhiều lần các hình thức cho vay “cột điện”, cầm đồ nhưng vẫn không bị cơ quan chức năng xử lý, thậm chí ngày càng xuất hiện tràn lan.
Không ít app vay hiện nay là doanh nghiệp được cấp phép cầm đồ, hoạt động núp bóng cho vay nặng lãi. |
Độc giả Long Dang thể hiện quan điểm, Nhà nước thiếu chính sách cho vay hỗ trợ nên người dân đành làm liều. Dân khổ quá nên biết dính vô là chết nhưng vẫn dính. Các công ty tài chính và có cả các doanh nghiệp cấu kết với công ty tài chính để bẫy dân. Nhà mạng thì để bọn xấu ngang nhiên nhắn tin, gọi điện hù dọa. Ngân hàng Nhà nước thì chỉ thấy các hình thức áp đặt bắt dân trả nợ chứ không thấy áp đặt các công ty tài chính giảm lãi và minh bạch khi cho vay. Dân khổ lãnh đủ.
Một bạn đọc khác cho rằng, các app, website này không hiểu bằng cách nào có thể truy ra cả gia phả họ hàng của người vay chỉ từ số bảo hiểm xã hội. Ai vay dùng số CCCD chính chủ là các app, website này có thể truy ra hàng loạt thông tin cá nhân, số điện thoại người thân, bạn bè.
Theo độc giả Pham Cao, việc cấp phép tràn lan, không quản lý được, không biết họ làm gì, hoạt động thế nào, để các công ty cầm đồ núp bóng cho vay lũng đoạn xã hội. Cần xem xét trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Độc giả Long Dang cũng thể hiện quan điểm, công ty không có địa chỉ rõ ràng, có tư cách pháp nhân và người đại diện được cấp phép nhưng Sở không biết là ai, ở đâu, liệu có sự tiếp tay hay không. Các công ty tài chính thuộc ngân hàng cũng cần làm rõ luôn, không riêng gì các app.
Độc giả Nguyen Ha cho rằng, cần phải làm tận cùng với các app, website cho vay này. Bao nhiêu gia đình đã tan cửa nát nhà, các cơ quan nhà nước đều biết nhưng không hiểu vì sao vẫn không có động thái xử lý mạnh tay. Một độc giả khác thắc mắc, các app này có lãi trên trời nhưng bao năm nay vẫn chưa bị sờ gáy, không hiểu nổi.
Nhiều độc giả thể hiện quan điểm, nhà nước không mạnh tay triệt phá hình thức cho vay này thì người dân càng lâm vào thảm cảnh. Độc giả Doanh Trần Khả nêu ý kiến, rất mong cơ quan quản lý nhà nước có thể nhìn xuống, thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân và xử lý nghiêm với bọn hút máu người này.