Đáng lưu ý, theo một nghiên cứu của tổ chức Action Aid (một tổ chức quốc tế chống đói nghèo làm việc tại hơn 40 quốc gia), có 87% phụ nữ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, phụ nữ và trẻ em gái không được an toàn tại nhà, nơi công cộng và cả nơi làm việc.
20.000 vụ bạo lực gia đình trong một năm
“Em còn nhớ cách đây ba năm, khi em còn là học sinh cấp 3. Mỗi lần đi học thêm về buổi tối là một sự kinh hoàng. Không chỉ riêng em mà còn rất nhiều bạn nữ khác cũng bị tấn công tình dục, thậm chí có lần anh ta còn 'khoe hàng' ra trước mặt bọn em. Giờ nghĩ lại em vẫn còn thấy bị ám ảnh.”
Đây là một trong những câu chuyện được một bạn sinh viên của Trường Đại học Hà Nội chia sẻ trong chiến dịch hưởng ứng 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Câu chuyện của bạn nữ sinh viên trên khiến nhiều người cảm thấy rất lo lắng. Hơn nữa, các con số thống kê cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình, tấn công tình dục.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm, tuy nhiên mức độ bạo lực ngày càng nghiêm trọng.
Ngay từ năm 2014, báo cáo của các tổ chức phi chính phủ đã chỉ ra cứ 2-3 ngày ở Việt Nam lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em. Từ đó đến nay, tình hình tiếp tục diễn biến xấu. Riêng năm 2015, có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị người thân giết hại. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, 6 tháng đầu năm 2016 đã có hơn 20 phụ nữ, trẻ em thiệt mạng do bạo lực gia đình.
Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực gia đình gần đây nhất có 58% phụ nữ đã từng kết hôn nói rằng họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân ở một số thời điểm trong cuộc sống của họ.
Tuy nhiên, 87% nạn nhân không tìm đến sự giúp đỡ do việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ có sẵn. Nhiều người sợ hãi không dám lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rối nhiều hơn nữa.
Không chỉ phụ nữ đã kết hôn mà có rất nhiều phụ nữ trẻ và chưa kết hôn cũng là đối tượng bị bạo lực.
Học sinh, sinh viên nhảy Flashmob hưởng ứng lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Chấm dứt bạo lực với phụ nữ
Trước thực tế trên, Việt Nam đã tổ chức Tháng hành động sẽ diễn ra từ ngày 15/11-15/12, với chủ đề "Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái."
Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai tháng hành động này nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức, mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, qua sự kiện này, mỗi nam giới sẽ trở thành một hạt nhân tiên phong trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ vì sự an toàn của phụ nữ, vì mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội không có bạo lực với phụ nữ.
Phân tích về vấn đề bạo lực với phụ nữ, ngài Craig Chittick - Đại sứ Australia tại Việt Nam cho hay: Australia không khoan nhượng với những hành động bạo lực với phụ nữ ở cả Australia và trên thế giới.
“Là một người đàn ông, một người chồng, một người cha của hai con gái, đồng thời là người đứng đầu Đại sứ Australia – nơi có gần 70 cán bộ nữ, tôi thấy trách nhiệm của mình là phải lên tiếng ủng hộ việc xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Tôi khuyến khích nam giới hãy đồng hành và hỗ trợ những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái,” ngài Craig Chittick nhấn mạnh.
Với tư cách là đại diện hình ảnh của phòng trào Heforshe tại Việt Nam, ca sỹ - nhạc sỹ Hoàng Bách khẳng định: “Chúng ta thường nhìn nhận bạo lực giới là vấn đề của người phụ nữ, nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng đó cũng là vấn đề của nam giới.”
Đề cập đến những giải pháp, ca sỹ Hoàng Bách chỉ rõ, với việc những người đàn ông chịu trách nhiệm cho hầu hết các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thì chính họ cũng là một yếu tố quan trọng của giải pháp giúp chấm dứt bạo lực. Vì vậy, nam giới cần tiên phong và làm gương cho trẻ em trai, để mọi phụ nữ, trẻ em gái được sống và phát triển toàn diện trong một xã hội an toàn, bình đẳng.
Trong Tháng hành động chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, việc thúc đẩy vai trò, trách nhiệm, cũng như tăng cường sự tham gia của nam giới ngày càng trở nên cần thiết. Vì vậy, thông điệp trong tháng hành động được nhấn mạnh đó là: bạo lực đối với phụ nữ xuất phát từ nam giới, nên người cần phải chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ chính là nam giới và trẻ em trai.