1. BS Phạm Thị Mai Thanh – cựu bác sĩ 115 tại Hà Nội: Đừng để bác sĩ vì quá áp lực, quá buồn mà trở nên “lạnh” với nghề
Gần đây bạo hành y tế liên tục gia tăng, có những vụ BHYT với những lý do hết sức… phi lý. Từ thành phố đến nông thôn đều xảy ra bạo hành y tế, nhưng rất ít được sự can thiệp của pháp luật hoặc can thiệp chưa có sức răn đe. Những người làm nghề y chúng tôi luôn có một cảm giác bị tổn thương và bất an trong môi trường làm việc. Để có được tấm bằng hành nghề bác sĩ, chúng tôi đã phải vất vả không chỉ 6 năm học mà sau đó phải thêm vài năm sau đại học như bác sĩ nội trú, học thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa… mới có trình độ tương đối vững vàng để khám chữa bệnh.
"Đừng để những người trong nghề y chúng tôi phải rơi nước mắt..." |
Môi trường làm việc của bác sĩ ngoài những áp lực về chuyên môn ngành y, đồng lương ít ỏi, triền miên trực ngày đêm, lễ Tết, chúng tôi không có nhiều điều kiện lo chu toàn cho gia đình, con cái. Giờ lại “gánh” thêm nỗi sợ hãi về bạo hành y tế có thể xảy ra bất kể lúc nào, bất kể chỗ nào, liệu chúng tôi có thể toàn tâm toàn ý lo cho công việc được không, hay lúc nào cũng nơm nớp lo cách đối phó, “phòng thủ”.
Bạo hành y tế xảy ra, thiệt thòi nhất vẫn là người bệnh. Chúng tôi mong nhà nước có hành lang pháp lý tin cậy để bảo vệ nhân viên y tế, để chúng tôi yên tâm tập trung vào chuyên môn, không phải lúc nào cũng canh cánh lo đối phó với những tình huống xấu từ người nhà bệnh nhân.
Đừng để bác sĩ vì quá áp lực, quá buồn mà trở nên “lạnh” với nghề. Hãy để chúng tôi cùng chung cảm xúc vui buồn với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Vui vì bệnh nhân đã thoát khỏi thần chết, buồn vì đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân không qua khỏi… Đừng để những người trong nghề y chúng tôi phải rơi nước mắt bởi bạo hành y tế.
2. BS Vũ Yến – BV Đa khoa Xanh pôn: Khi đầu quân cho ngành y, chúng tôi đã chấp nhận hy sinh, nhưng không chấp nhận bạo hành
Bạo hành y tế chưa bao giờ “nóng” như bây giờ, mọi nỗi bực dọc của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều đổ vào cán bộ y tế. Xã hội yêu cầu đòi hỏi ở ngành y quá nhiều mà không biết ngành y thế nào. Khi sử dụng dịch vụ y tế, mọi người luôn muốn nhanh nhất, tốt nhất, bác sĩ giỏi nhất, được chăm sóc tốt nhất… nhưng lại muốn trả phí thấp nhất, miễn phí thì càng tốt! Bạn có biết ngành y tế giờ hầu hết đã tự chủ 100% không, tức là tự làm tự ăn, nhà nước không hề rót kinh phí. Nếu đáp ứng những yêu cầu của bệnh nhân thì bệnh viện sẽ phải làm từ thiện, mà lương ngành y là 1 trong những ngành có mức lương thấp nhất trong các ngành.
Đã có bao nhiêu người lên án ngành y thử đồng hành cùng chúng tôi một đêm trực cấp cứu hoặc một buổi khám bệnh? Chỉ một đêm thôi, các bác sĩ và nhân viên y tế hầu như không có phút nghỉ ngơi, cùng lúc có một bệnh nhân máu chảy bê bết do vết thương rách phần mềm, một bệnh nhân khác không máu chảy nhưng vỡ tạng đặc… Các bác sĩ và nhân viên y tế sẽ chỉ sơ cứu tránh chảy máu tiếp cho ca số 1 sau đó sẽ tập trung cấp cứu cho ca thứ 2 vì mức độ nguy hiểm cao hơn, nhưng người nhà bệnh nhân số 1 sẽ “mặc định” quy kết rằng: “do mình chưa đưa phong bì nên “chúng nó” chưa cứu”. Bạo hành xảy ra! Dù có giải thích thế nào thì người nhà số 1 cũng sẽ cho là ngụy biện, cả xã hội lại nhảy vào “soi xét” nhân viên y tế như những tội đồ. Chuyện của bác sĩ Chiến ở BVĐK Xanh Pôn vừa xảy ra, rất may là có clip làm bằng chứng và được xã hội cũng như các ban ngành lên tiếng, nhưng quan trọng hơn, sẽ xét xử như thế nào nếu không bổ sung luật để bảo vệ ngành y? Sau xét xử liệu có ai đảm bảo bác sỹ Chiến hay một ai đó ở BV không bị trả thù?
Khi chọn trường y và đầu quân cho ngành y, chúng tôi đã chấp nhận hy sinh nhưng không thể chấp nhận bạo hành. Dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa thì họ vẫn phục vụ người đánh họ. Chúng tôi rất mong muốn có môi trường làm việc trong sạch, bình yên và có sự bảo vệ của pháp luật. Hãy đồng hành cùng chúng tôi, tạo môi trường trong lành để chúng tôi có thể toàn tâm toàn ý vì người bệnh.
3. Điều dưỡng Lê Thanh - BV Bạch Mai: “Không hiểu đâu bệnh nhân cứ cho rằng nếu có phong bì sẽ được ưu tiên xyz gì đó”
Mỗi khi nghe có vụ bạo hành xảy ra với đồng nghiệp hoặc chính mình gặp rắc rối, tôi có cảm giác như bao sức lực mà mình gồng lên cố gắng bỗng sụp đổ. Người rã rời, chán nản không thiết làm gì. Chỉ muốn hết giờ, trút bỏ áo blouse trắng về nhà. Nếu bạn làm việc suốt 8 tiếng liên tục (kể cả ca đêm), người lúc nào cũng căng như dây đàn thì nét mặt bạn có thể tươi cười được suốt không? Chưa kể một bệnh nhân có dăm người nhà đi theo, vừa giải thích cho người này thì người kia lại vào hỏi. Vừa thông báo nội quy cho người nhà này thì người nhà kia lại làm trái nội quy.
Không hiểu đâu bệnh nhân cứ cho rằng nếu có phong bì sẽ được ưu tiên xyz gì đó. Không thể phủ nhận rằng có những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng con số đó không phải tất cả và ngay chính trong ngành chúng tôi cũng không đồng tình.
Quãng năm 2004 - 2005, tôi nhớ có một ca bệnh nặng trong viện. Người nhà muốn xin về để chết, bác sĩ thì muốn “tát” đến giọt nước cuối cùng. Rút cục “tát hết cả nước” bệnh nhân vẫn qua đời. Người nhà kéo vào một đoàn hò hét, đập phá khoa, kêu gào ầm ĩ: “Chúng mày” tắm thuốc cho bệnh nhân à mà một ngày hết từng ấy thuốc?”. Họ không hề hay biết bệnh nhân tụt huyết áp, ngừng tuần hoàn liên tục phải dùng thuốc vận mạch liều cao. Vụ việc ấy bệnh viện phải chốt cửa khoa, gọi 113 đến giải quyết. Bệnh nhân cứ thế ngang nhiên đi về không trả viện phí, còn nhân viên y tế hết ca phải luồn cửa sau lén lút về nhà. Lúc ấy chán nản cực kỳ. May hồi đó còn bao cấp chứ tự hạch toán như bây giờ thì nhân viên y tế chúng tôi bị trừ sạch lương bù vào khoản bệnh nhân không thanh toán viện phí. Vất vả là thế, nhưng nhiều lúc tôi tình cờ nghe được người nhà bệnh nhân nói chuyện với nhau, “thằng bác sĩ nọ, con y tá kia…”, đành phải giả câm giả điếc không nghe thấy, buồn lắm.
Hồi dịch SARS bùng phát, có bệnh nhân nghi ngờ bị SARS, mấy chị em chúng tôi không dám về nhà vì sợ mang bệnh cho người thân. May có nhà đứa em bỏ không, mấy chị em nửa đêm mò đến, “rú rú” 2 ngày không dám thò mặt ra đường, cơm ăn được “viện trợ” như cơm tù. Sau có kết quả xét nghiệm không mắc SARS, chúng tôi mới yên tâm về nhà. Nếu nhân viên y tế chẳng may lây bệnh chết chỉ có người nhà chịu thiệt, đâu ai vinh danh “Hy sinh trong khi làm nhiệm vụ”?
Giờ hỏi nhân viên y tế chúng tôi muốn gì ư? – Chúng tôi chỉ muốn có môi trường làm việc tốt, yên tâm làm nhiệm vụ. Không cần phong bì, không có thái độ xoi mói, “thù địch” từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hãy để nhân viên y tế được yên tâm làm việc.
4. Bác sĩ Ngô Đức Hùng – Bệnh viện Bạch Mai: Để yên cho bác sĩ “hiền”!
Bạo hành y tế là câu chuyện giữa xung đột giữa nhu cầu của bệnh nhân và khả năng đáp ứng trong dịch vụ y tế.
Chúng ta đang sống trong một xã hội pháp quyền, tôi hy vọng mọi người sống theo luật pháp và người bác sĩ cần phải được bảo vệ. Sự bảo vệ đó không chỉ bảo vệ riêng bác sĩ mà còn bảo vệ chính bệnh nhân đang điều trị, vì khi người bác sĩ bị bạo hành, tinh thần họ bị áp lực lớn nhưng họ vẫn phải tham gia điều trị cho các bệnh nhân khác. Một điều nữa tôi muốn nhắc tới, cần nâng cao hiểu biết cơ bản của người dân, đó là điều hết sức quan trọng. Chúng ta không thể thấy khó thì không làm, xã hội thay đổi phải dần dần chứ không thể thay đổi đột ngột được ngay. Chúng ta chờ đợi, cố gắng, tham gia vào việc nâng cao hiểu biết cơ bản của người dân để xã hội tốt đẹp lên.
Bạo hành có 2 loại: bạo hành bạo lực ít lo ngại hơn, bạo hành tinh thần là thứ khủng khiếp vì nó cứ dồn nén lâu dần trong tư duy con người. Các y bác sĩ cũng phải chịu bạo hành tinh thần trong xã hội. Các bác sĩ như bao người khác, đằng sau công việc áp lực với tính mạng bệnh nhân, họ còn có gia đình, hỷ -nộ- ái- ố, những việc riêng... Nếu những áp lực quá dồn nén, có thể họ sẽ bị biến đổi lúc nào không biết. Một mặt, các bác sĩ cần tìm những phương pháp cân bằng cho mình. Một phần, xã hội truyền thông cần ghi nhận những đóng góp điều ngành y làm được, có những góp ý để xây dựng ngành y tốt hơn chứ không chỉ “ném đá ào ào”. Tôi mong muốn mọi người dân có ý thức chăm sóc sức khỏe hơn, vì khi ấy các y bác sĩ chúng tôi sẽ bớt áp lực. Bệnh nhân hiểu biết hơn về sức khỏe, họ vào viện sẽ có thái độ hợp tác với bác sĩ hơn.