Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa

Xét về động lực và tính chất thì có sự khác nhau rất lớn, rất căn bản giữa những người hoạt động Văn hóa (Giới Nghệ sĩ) và Showbiz (Giới giải trí), một bên lấy Văn hóa làm động lực và mục tiêu chính, còn một bên thì đặt mục tiêu giải trí và lợi nhuận cao hơn.

______________

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa ảnh 1

Do xuất phát điểm rất khác nhau nên hiện nay trên trên thế giới có hàng trăm định nghĩa về Văn hóa. Khái niệm Văn hóa được quốc tế đánh giá có nội dung và ý nghĩa bao hàm nhất, được sử dụng nhiều nhất là định nghĩa của UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc, cụ thể: “Văn hóa là tập hợp các đặc trưng tiêu biểu về tinh thần, vật chất, tri thức và xúc cảm của xã hội hoặc một nhóm người trong xã hội; Văn hóa không chỉ bao gồm văn học và nghệ thuật, mà còn cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị, truyền thống và niềm tin”.

Nghị quyết Hội nghị TƯ 5, Khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của Văn hóa như sau: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Đồng thời chỉ rõ: “Văn hóa là một mặt trận. Xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì… Trong công cuộc phát triển văn hóa, “xây” đi đôi với việc “chống” lại những tư tưởng, hành vi, sản phẩm văn hóa lệch lạc, sai trái, lạc hậu, phản động; Phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa hòng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “đổi màu”.

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa ảnh 2

Khi đưa ra chiến lược và các biện pháp giúp các quốc gia phát triển, đặc biệt trên lĩnh vực bảo vệ và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, nhân bản và tiến bộ, UNESCO đã đưa ra khái niệm “Phản Văn hóa” (tiếng Pháp là Contre-culture), là loại hình văn hóa đi ngược lợi ích chính đáng của xã hội, đi ngược lợi ích quốc gia, đi ngược các chuẩn mực nhân văn, cản trở tiến bộ xã hội. Tương tự, các quốc gia cũng đưa ra những khái niệm có nội hàm tương tự như “văn hóa phản tiến bộ”, “văn hóa suy đồi”, “văn hóa độc hại” v.v…

Thực tiễn cho thấy không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận diện được ranh giới giữa Văn hóa đích thực và Phản Văn hóa. Văn hóa không đơn giản là lĩnh vực vui chơi giải trí như một số người nghĩ mà đây là lĩnh vực liên quan đến các giá trị nhân văn và đạo đức của một xã hội, của một chế độ, là vấn đề mà UNESCO đánh giá là nhân tố quyết định liên quan đến sức mạnh “nội sinh” của một quốc gia, một dân tộc.

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa ảnh 3

Một quốc gia có thể thua kém về kinh tế nhưng thực tế cho thấy là bằng quyết tâm, học hỏi và sáng tạo, chỉ trong vài chục năm quốc gia đó có thể trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực hoặc thế giới.

Nhưng khi một dân tộc để mất đi vốn di sản văn hóa của mình, để văn hóa xuống cấp thì dân tộc đó sẽ không còn tương lai (Theo tinh thần của “Thập kỷ Quốc tế về Phát triển Văn hóa”, 1987-1996, do Liên Hợp quốc và UNESCO phát động).

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa ảnh 4

Trong cuốn sách “Đế quốc Showbiz và văn hóa bình dân” của M. MacKenzie do Đại học Manchester, Hoa Kỳ xuất bản 2017; trong bài “Cuộc chơi sâu của giới Showbiz tài chính” của Daniel S. trên tạp chí Economy and Society, 2017; trong cuốn “Giới Showbiz chính trị trong đời sống chính trị Hoa Kỳ” của K. Brownell, 2014 và trong bài “Sự thao túng của Showbiz trong thể thao ở Mỹ” của T. Brian, 2010… đều có nhận định: "Showbiz là cuộc chơi giành giật phần thắng của một nhóm người chơi mà đối tượng là đại chúng. Trong cuộc chơi đó người chơi khai thác tối đa các hiệu ứng truyền thông để đưa ra luật chơi, tìm cách lôi kéo và thao túng số đông sao cho công chúng phải tuân thủ luật chơi theo cách có lợi nhất cho người chơi".

Showbiz là thuật ngữ tiếng Anh, viết tắt cụm từ Show & Business, tức là Biểu diễn và Thương mại, được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1850 ở Châu Âu.

Theo các tác giả này thì “Showbiz quân chủ” đã được áp dụng từ thời Victoria, thế kỷ 18. Chính thể quân chủ nước Anh thời đó đã sử dụng báo chí và nhiều cách “truyền tin trên mặt đất” (thời đó chưa xuất hiện thông tin vô tuyến) để khơi dậy sự quan tâm của đại chúng, hướng họ theo cách nhìn phiến diện, méo mó về các vấn đề chủng tộc nhằm huy động mọi nguồn lực cho các kế hoạch thực dân.

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa ảnh 5

Ở Hoa Kỳ, “Showbiz chính trị” thường được phát huy trong các cuộc chạy đua chính trị, đặc biệt là trong các mùa tranh cử Tổng thống. J.F. Kenedy là vị tổng thống Mỹ được coi là thành công nhất trong việc sử dụng truyền thông để xây dựng hình ảnh bản thân. Bằng một chiến thuật Showbiz đầy tính toán, ông đã huy động được một lực lượng truyền thông khổng lồ vào cuộc. Với hình ảnh gia thế đẳng cấp cùng mối quan hệ riêng tư nhưng “rất showbiz” của ông với cô đào tóc vàng nổi tiếng nhất Hollywood thời đó, trong con mắt cử tri Mỹ, đặc biệt với phụ nữ và thanh niên Mỹ, JFK đã mau chóng trở thành một biểu tượng, một thần tượng hoành tráng của nước Mỹ, của lối sống Mỹ. Trong con mắt họ ông không còn là một vị tổng thống tẻ nhạt, một chính trị gia đang tranh quyền đoạt chức cho chiếc ghế tổng thống vòng 2. Qua nhào nặn của truyền thông ông đã trở thành một người đàn ông Mỹ gallant nhất, cực kỳ phong độ và đầy sức quyến rũ… Đáng tiếc cũng vì quá thành công bằng con đường Showbiz nên Kenedy đã "ngã ngựa", bị ám sát ngay trên đỉnh vinh quang.

Nhiều công trình nghiên cứu của Mỹ và phương Tây cho thấy rằng Showbiz không chỉ là con đường để giành giật chiến thắng trong các trường đua chính trị mà từ lâu nó đã trở thành một công cụ đắc lực đầy hiệu quả trên các lĩnh vực tài chính, kinh tế, đặc biệt là thể thao và lĩnh vực giải trí thông qua việc khai thác triệt để mối liên kết lợi ích khổng lồ với giới truyền thông.

Bởi vậy, có thể nói Showbiz, đặc biệt Showbiz trong xã hội tư bản, chính là phương pháp tạo nên hiệu ứng đám đông, lôi kéo đám đông và kích thích đám đông để đám đông đem lại lợi ích cho mình. Sẽ không có Showbiz nếu không có sự tham gia của các tổ chức truyền thông thương mại, truyền thông lá cải luôn hướng đến những lợi ích cho riêng mình.

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa ảnh 6

Có thể nói là Có và cũng có thể là Không nếu đặt Showbiz vào những thời điểm cụ để xem xét đánh giá bằng các chuẩn mực của Văn hóa và Phản Văn hóa.

Như trên đã trình bày, Showbiz là viết tắt cụm từ Show & Business, tức là lĩnh vực biểu diễn thương mại. Hiện nay nhận thức phổ quát trên thế giới thì Showbiz cũng được hiểu là giới Giải trí (entertainment).

Với đà phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là truyền thông và các phương tiện thông tin đại chúng, Showbiz ngày nay đã trở thành Ngành công nghiệp giải trí (Entertainment Industry), được coi là một lĩnh vực kinh doanh và đầu tư kinh tế đầy béo bở.

Được gọi là Ngành công nghiệp giải trí bởi tính chất và mối quan hệ rất phức tạp, đa diện, đa ngành, đa phương tiện của lĩnh vực này, trong đó Truyền thông đóng vai trò quyết định. Chính vì vậy ở phương Tây thường gộp hai lĩnh vực này với nhau: Media & Entertainment Industry, tức là Các phương tiện thông tin đại chúng đi liền với Ngành công nghiệp giải trí, và coi đó là một xu thế trong xã hội tư bản.

Ngành công nghiệp giải trí bao gồm tất cả những thành phần, giới tham gia vào các hoạt động giải trí nói chung (nhạc nhẹ, pop, biểu diễn tạp kỹ, các cuộc thi sắc đẹp, các trò chơi mang tính thách đố (gameshows), chọn lựa tài năng tạp kỹ v.v…; đó là các nhà kinh doanh trong ngành giải trí, các nhà quản lý, người đại diện, các nhà sản xuất, các nhà phân phối, các tổ chức quảng cáo có liên quan đến giải trí; là giới sáng tác, giới biểu diễn gồm các diễn viên, người mẫu, ca sĩ phục vụ giải trí; là giới kỹ thuật phục vụ trong lĩnh vực giải trí như hóa trang, trang điểm, làm tóc, thiết kế thời trang...

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa ảnh 7

Bởi từ lâu Showbiz được coi là phương pháp tạo nên hiệu ứng đám đông. Sẽ không có Showbiz giải trí nếu không có sự tham gia của các tổ chức truyền thông, đặc biệt là giới truyền thông thương mại. Vậy giới truyền thông thương mại là ai? Đó là các nhà đài, báo chí thương mại, những khách hàng quảng cáo cung cấp ngân sách cho showbiz, những ông bầu và các nhà sản xuất các sản phẩm Showbiz được đem ra quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đây là hiện tượng cộng sinh giữa Showbiz và truyền thông, đặc biệt là truyền thông lá cải. Hai bên lợi dụng nhau, trở thành phương tiện của nhau để bán hàng. Trên các phương tiện truyền thông, hàng hóa chính là các sản phẩm Showbiz, mà phần đông đại chúng ngỡ rằng đây là các sản phẩm văn hóa, thậm chí là văn hóa cao cấp được giới Showbiz cống hiến cho họ. Nhưng họ không biết rằng đằng sau các sản phẩm Showbiz mới là hàng hóa chính, là thứ đem lại lợi ích khổng lồ cho các “Mạnh Thường Quân” kếch sù – các “Nhà tài trợ” – tức Khánh hàng Quảng cáo của truyền thông. Nhưng kẻ có quyền lực nhất nắm giữ vai trò quyết định quyền sinh, quyền sát đối với giới Showbiz, đóng vai trò định hướng sản phẩm và xu thế của Showbiz, định hướng thị hiếu, cảm xúc và cách cảm thụ văn hóa của đại chúng, giữ vai trò gạch nối giữa các nhà tài trợ và giới Showbiz, giữa Showbiz với công chúng, giữa hàng hóa với thị trường – đó chính là ông Bầu kín tiếng - tức “Ông Trùm” của Showbiz. Tóm lại, các sản phẩm của Showbiz chính là con đẻ của nền kinh tế thị trường chứ không phải là đứa con của Văn hóa đích thực.

Để khai thác các mối quan hệ lợi ích trên, các “Ông Trùm” chủ trương phải tạo ra thật nhiều “ngôi sao” Showbiz bằng mọi cách, kể cả cách “phù phép” để xóa đi những vết sẹo xù xì, thậm chí là xấu xí của các sản phẩm Showbiz, làm cho chúng trở nên lấp lánh, chói chang, đầy ma lực để mê hoặc công chúng. Đó là các Show diễn, các Gameshow phủ sóng ngày đêm với những nội dung vô thưởng vô phạt, thậm chí bị coi là nhảm nhí, phản cảm, phản văn hóa nhưng lại vô cùng lộng lẫy, lấp lánh cùng các “MC ngôi sao” và những “người chơi ngôi sao” cũng lấp lánh, lộng lẫy. Các cuộc chơi này hầu như không dành cho những người lao động, những công nhân, trí thức bình dân. Nếu có sự xuất hiện nào đó của những người bình dân trong các Gameshow đang phổ biến ở Việt Nam thì đó phải là những con người nghèo khổ, tật nguyền. Khán giả thậm chí cảm thấy sự xuất hiện của họ không phải là vì mục đích nhân đạo, mà nhiều khi những con người khốn khổ này bị lợi dụng làm nền để các ngôi sao thi thố lòng trắc ẩn, thực chất là đánh bóng hình ảnh cho Showbiz.

Những sản phẩm Showbiz cần phải được thể hiện bằng những con người cụ thể. Họ là ai? Là các ca sĩ, các diễn viên múa, hài, tạp kỹ, các MC hoạt ngôn... được truyền thông thương mại nhào nặn thành những “nam thần”, “nữ thần”, những “Ông hoàng”, những “Vương”, những “Hậu”. Họ là những “quả trứng vàng” của Showbiz. Truyền thông được trả tiền để khoác lên những con người cụ thể này chiếc áo bóng bẩy của “giới tinh hoa quyền lực”, gắn mác những vai trò cao cả, thậm chí là những “sứ mệnh quốc gia, dân tộc” đầy “đại sự” nhưng cũng đầy viển vông.

Bởi vậy, có gì đáng ngạc nhiên khi các ca sĩ hát không hay nhưng vẫn trở thành các ngôi sao của Showbiz. Đơn giản là vì họ đẹp. Văn hóa của Showbiz là Đẹp! Đẹp quan trọng hơn tài năng! Với sự tham gia của truyền thông thương mại những “vết sẹo xù xì” vẫn có thể trở thành các “tượng đài” Showbiz, không ngừng được tung hô trên các phương tiện truyền thông, hoặc được truyền thông im lặng bưng bít, hoặc lên tiếng bênh vực khi các “tượng đài” gặp sự cố. Bởi vì những “quả trứng vàng” này là những đứa con do họ đẻ ra và bao bọc chừng nào chúng còn giá trị sử dụng.

Sự thật này không có gì mới mẻ, đã được thế giới miêu tả từ rất lâu trong nhiều công trình nghiên cứu, khảo sát về mối quan hệ giữa truyền thông với Showbiz.

Hiện tượng này là Văn hóa hay Phản Văn hóa?

Vì sao một bộ phận công chúng cứ mãi day dứt, buồn phiền, tranh cãi khi các thần tượng của mình sụp đổ? Đáng tiếc, họ đã không phân biệt được sự khác nhau giữa các “tượng đài Showbiz” với tinh hoa văn hóa, giữa Văn hóa đích thực và văn hóa thương mại.

Mối quan hệ giữa Showbiz và Văn hóa ảnh 8
TIN LIÊN QUAN
Khách tham quan triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”
(Ngày Nay) - Lễ khai mạc Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” đã diễn ra chiều 18/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36, Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Họa sỹ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam tổ chức.
Chương trình hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại lễ hội.
Thanh Hoá: Nhiều hoạt động đặc sắc tại lễ hội Mường Xia
(Ngày Nay) - Tối 18/3, tại xã Sơn Thủy, huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), Lễ hội Mường Xia đã diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào dân tộc Thái và người dân nước bạn Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào).
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
Những quan điểm cần “gác qua một bên”
(Ngày Nay) - Sinh thời, khi được hỏi về các vấn đề siêu hình thì Thế Tôn im lặng, “gác qua một bên”. Sau khi Thế Tôn nhập diệt, một số người đã đến hỏi Tôn giả A-nan vấn đề này. Hiện nay, các quan điểm này vẫn đang được đặt ra.
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
Bầu trời Iceland rực đỏ vì núi lửa phun trào
(Ngày Nay) - Đài truyền hình RÚV của Iceland đưa tin, hiện tượng núi lửa phun trào ở Bán đảo Reykjanes đã buộc người dân sống xung quanh Vũng biển Blue nổi tiếng và thị trấn Grindavik gần đó phải sơ tán khẩn cấp.
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
Tràn lan nội dung độc hại do AI sáng tạo trên TikTok
(Ngày Nay) - Theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Media Matters, người dùng TikTok đang có xu hướng kiếm tiền từ các video đưa ra những thông tin vô căn cứ về những “thuyết âm mưu” liên quan đến ngày tận thế của thế giới.
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
Khai mạc Lễ hội Nữ tướng Lê Chân
(Ngày Nay) - Tối 17/3, tại Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, UBND quận Lê Chân (thành phố Hải Phòng) khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024.