Sinh ra ở Ngõ Chợ, chơi đàn trong Ngõ Chợ, yêu trong hương hoa sữa và sương giăng
Quá nhiều thiếu nữ và thiếu phụ, không ít những người đàn ông từng trải đầu hai thứ tóc xa xứ thuộc lòng những giai thoại về xuất xứ mỗi bài hát của Phú Quang: "Em ơi Hà Nội phố".
Phan Vũ làm thơ về Hà Nội năm 1972 bi tráng thế mà sao Phú Quang "chỉ chốt mấy khổ thơ, làm nhạc mấy đêm"?
Nỗi nhớ mùa đông Phú Quang phát hiện ra Thảo Phương thế nào? "Đâu phải bởi mùa thu" Phú Quang khiến cho thơ Giáng Vân da diết hơn hay bình dân hơn? "Phía tối tâm hồn tôi" có phải là ẩn ức của Phan Đan hay chỉ là nỗi buồn thất tình "là lối em không về qua" của chàng trai phố thị Phú Quang?
Phú Quang khi còn trẻ. Ảnh do nhà báo Dương Phương Vinh cung cấp. |
Và "24 phím cầm chiều, 24 nhành sương mím. 24 tiếng ve sầu đại lộ tháng 4" rốt cuộc là tiếng lòng thổn thức của ông Dương Tường khi nghe tiếng đàn của em gái ông Trịnh Lữ hay là lời xa xôi thương nhớ của chính chàng trai trẻ Phú Quang ngày rất xa nào, khi mới chỉ là một nhạc công vô danh đứng trong dàn bè của Dàn nhạc Giao hưởng, nghe vẳng tiếng đàn của người con gái danh gia vọng tộc lúc đó đã nức tiếng danh cầm?
Không một bài hát nào của Phú Quang không có Hà Nội, dù bài hát cho phim có đề tài rất xa lạ như "Ông cố vấn" hay "Tình khúc 68" thì cái chất Hà Nội rất khó đong đếm vẫn cứ vương vất qua cách mà ông chọn ca từ của Phan Đan - một người Hà Nội đặc biệt khác mà Phú Quang hết sức yêu thương và coi trọng - đến cách ông chọn Dàn Nhạc để chơi soundtrack và ca khúc. Thời hoàng kim, Phú Quang luôn có quyền yêu cầu nhà sản xuất dựng tác phẩm của mình với Dàn Nhạc mà ông ưng ý nhất - Đặc quyền đó, với một nhạc sỹ như Phú Quang, chắc chắn quý hơn nhiều lần tiền bạc.
Một người Hà Nội tài hoa. Ảnh do nhà báo Dương Phương Vinh cung cấp. |
Còn với những tình khúc nổi tiếng nhất của ông thì bỏ qua hết "anh", "em", người ta dễ dàng nhận thấy đối tượng thật sự của tình yêu chính là Hà Nội, bỏ qua cả hoa sữa lẫn cái lạnh mùa đông, bỏ qua cả rêu phong, mặt hồ, sương giăng, khói phủ, bỏ qua cả tiếng chuông chiều lẫn mùi cốm Vòng...
Hà Nội trong bài hát Phú Quang lẩn khuất trong từng dòng kẻ, thấm đẫm trong từng nốt nhạc, đặc quánh trong không gian bài hát mà ông tạo ra. Như một thực thể độc nhất mà bất kỳ ai yêu Hà Nội đều có thể cảm nhận được, nghe được, thậm chí hít ngửi, chạm vào, ôm lấy.
"Đôi khi, những người đầy lý trí, cả đời luôn nghĩ chuẩn, quyết định chính xác, hành động đúng, chợt 'bắt quả tang' mình đang sến sẩm ư ử 'ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông, nóc phố mồ côi mùa đông'..., ngượng ngùng gãi đầu phân bua: 'nhạc ông làm tôi thành thế này đấy!'''
"Đấy là những lúc tôi khoái chí nhất", Phú Quang chia sẻ vào một tối nào đó rất xa trên vỉa hè phố Lãn Ông, trên đầu lủng lẳng khăn tắm, tã trẻ em và đồ sơ sinh của cửa hàng con dâu nhà thơ Lê Đạt.
Nhà thơ "chiều Âu Lâu bóng chữ đọng chân cầu" vừa được ông em trân trọng đưa hai tay nhuận bút bài thơ được phổ nhạc sẽ hát tại Nhà hát Lớn tuần sau cười còn sảng khoái hơn: "Đúng rồi, tao còn lạ gì mày! Sướng hơn được gái đẹp tỏ tình đúng không?!"
Tiếng cười giòn giã của hai người đàn ông một già một trung niên, đều rất tài hoa nhưng một người cả đời "phu chữ" lại bị "vạ chữ" còn một người yêu nhạc và được bài hát trả đủ cả vốn lẫn lãi của đời vang dọc con phố cổ đêm mùa đông ấy khiến người đi trên phố tình cờ biết được một Phú Quang khác, một Phú Quang thật Hà Nội giản đơn nhất có thể.
Người khai sinh những mùa diễn Thu - Đông của một Hà Nội sáng tạo và thưởng thức
Khái niệm mùa diễn Thu Đông của Hà Nội thực ra bắt đầu từ sau khi người Pháp xây Nhà hát Lớn Thành phố. Những đoàn kịch và vài ca sỹ từ chính quốc có thể chạy trốn Paris giá lạnh lên tàu sang An Nam và chịu được cái se se khô khô như mùa thu ở xứ thuộc địa này, đồng thời mang đến món quen quê nhà cho các đồng bào đang làm nhiệm vụ "khai hoá văn minh" ở Đông Dương, những đêm diễn bắt đầu vào mùa đông đầu thế kỷ 20 còn kéo dài đến tận khi Hoàng Cầm dựng "Kiều Loan" mùa đông 1946.
Rồi chiến tranh, bom đạn, đói kém... và tinh thần bao cấp, tem phiếu đến cả văn thơ nhạc hoạ đã không cần chỉ thị nào mà cứ thế triệt tiêu những mùa diễn đầy chất "hội chợ phù hoa."
Không một bài hát nào của Phú Quang không có Hà Nội. Ảnh do nhà báo Dương Phương Vinh cung cấp. |
Sau Đổi mới, các nhà hát trở lại tấp nập với đủ các kịch mục nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ tiêu kế hoạch nhà nước. Một năm diễn bao nhiêu buổi ở rạp nào? Đi tỉnh bao lâu? Đi biên giới hải đảo mấy chục đêm? Nhạc sỹ, tác giả, kịch bản, đạo diễn, ca sỹ, nhạc công,... đều là người nhà nước, không nói đến chất lượng tác phẩm, nhưng sự dàn dựng và tổ chức biểu diẽn quả thực rất... bao cấp.
Thô vụng, ngô nghê, biết là mộc là chất đấy nhưng còn xa mới là hay là đẹp. Dân Hà Nội đua nhau xem "Paris by Night" qua băng lậu hoặc hóng các đoàn ca nhạc Sài Gòn ra biểu diễn
Và Phú Quang từ Sài Gòn quay về cố hương. Không phải chuyển về hẳn. Ông nhạc sỹ ra Hà Nội để tổ chức những đêm nhạc cá nhân - chỉ hát bài của ông từ đầu tới cuối - tự dàn dựng tự bán vé - nghĩa là một mình làm từ A-Z (bao gồm cả tự hát tự đệm piano cài bài trong một đêm).
Và Phú Quang thắng lớn, theo mọi nghĩa.
Phú Quang là nhạc trưởng Dàn nhạc Mùa Thu nức tiếng những năm 1978-1984 |
Khán giả ùn ùn xếp hàng mua vé. Chương trình định 3 đêm phải kéo thành 4 đêm, định "Đâu phải bởi mùa thu" rồi tháng sau lại phải làm "Nỗi nhớ mùa đông"... Có Mỹ Hạnh rồi lại phải phát hiện thêm Ngọc Anh hát Phú Quang còn hợp hơn. Quang Lý tri âm rồi nhưng hoạ sỹ Trần Lương nhảy lên sân khấu "Sao em còn mang áo mỏng - có còn mùa hạ nữa đâu" cũng không kém tri kỷ.
Diva nào cũng chỉ thành diva thực sự nếu hát nhạc Phú Quang ở Nhà hát Lớn. Cả Hồng Nhung và Mỹ Linh đều thi nhau thể hiện "có nhiều khi tôi quá buồn - tôi ước mong quanh chỗ tôi ngồi mọc lên nhiều cây cỏ" sao cho đặc biệt nhất ...
Sau Phú Quang, hầu như tất cả các nhạc sỹ tên tuổi cùng lứa và đàn em đều đã tự tin làm đêm nhạc cá nhân. Nếu họ không đủ tiềm lực kinh tế và nhân sự, các công ty tổ chức biểu diễn đã xuất hiện. Có cung ắt có cầu.
Người tạo ra, kích thích và bơm năng lượng cho cái nhu cầu thưởng thức nghệ thuật theo mùa của Hà Nội vẫn được tiếng hào hoa tinh tế ấy chính là Phú Quang - người không hưởng vinh quang một mình. Ông thích có bè bạn chia sẻ hạnh phúc trên sân khấu.
Chắc nhiều người còn nhớ đêm nhạc cực kỳ đặc biệt mà lần đầu tiên 4 tên tuổi : Nguyễn Văn Tý - Phan Huỳnh Điểu - Đoàn Chuẩn - Phú Quang cùng hiện diện ở Nhà hát Lớn Hà Nội năm cuối cùng của thiên niên kỷ trước.
Rất nhiều bậc "mũ cao áo dài" đã giận dữ "sao Phú Quang dám đứng cùng 3 bậc thầy lừng lẫy?!" hay "ai cho phép Phú Quang hỗn hào thế?" Ông Hồng Đăng - lúc ấy làm Phó tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam (thời Hội Nhạc sỹ còn rất có trọng lượng với giới chuyên môn lẫn công chúng) cười bảo: "Nhà nước chưa có tiền lo được cho ông Điểu, ông Tý đêm nhạc riêng, nhà ông Đoàn Chuẩn cũng không làm nổi đêm nhạc cho ông ấy ngay bây giờ. Phú Quang nó lo thay cho cả Hội lẫn gia đình thế còn gì! Tôi là tôi cảm ơn lắm".
Phú Quang lên tận sân bay đón ông Tý, ông Điểu, ôm các ông anh đang rưng rưng, chỉ các thiếu nữ đang ôm hoa đợi tặng các bậc lão thành: "Hâm mộ các anh toàn các cô trẻ đẹp đây này! Các anh cố sống vui viết nhiều nữa cho các cô hâm mộ liên tục "trẻ hoá" nhé".
Ông "Dáng Đứng Bến Tre" và ông "Đoàn vệ quốc quân" ôm hoa, nước mắt nhoè nhoẹt nói với ông "Em ơi, Hà Nội phố": "Chỉ có Quang mới thương các anh kiểu này."
Hai đêm nhạc "Nguyễn Văn Tý, Phan Huỳnh Điểu, Đoàn Chuẩn, Phú Quang" đã kéo thành 4 đêm. Bao nhiêu trái tim Hà Nội đã chia sẻ cùng Phú Quang từ ngày đó, qua thêm thiên niên kỷ, đến tận bây giờ.
Và chắc chắn là mãi mãi.
Vĩnh biệt một người Hà Nội!