Ra đi ở tuổi 76, người nhạc sỹ tài hoa để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ mà bất kỳ một người sáng tác nào cũng phải mơ ước: Khoảng gần 600 ca khúc, hàng chục bản nhạc phim, nhạc kịch sân khấu, rất nhiều chương trình cá nhân có truyền hình trực tiếp, rất nhiều học trò, ca sỹ ngưỡng mộ, yêu mến... Và hơn tất cả, ông để lại một cá tính và một nhân cách âm nhạc riêng biệt, không thể trộn lẫn, lừng lững một cõi trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Một tài năng trải rộng
Quê gốc ở Văn Giang, Hưng Yên nhưng ông lại thành danh với ca khúc duyên dáng "Những cô gái quan họ". Học ĐHSP khoa Toán nhưng ông lại bỏ ngang đi làm nông trường, rồi quay lại học Nhạc viện và lừng lẫy với những đề tài mênh mông trải dài từ: "Hồ trên núi", "Huyền thoại Hồ Núi Cốc", "Một thoáng Tây Hồ" tới triết học: "Chảy đi sông ơi", "Không thể và có thể", "Mái chèo thiên thu", rồi tôn giáo: "Trên đỉnh Phù Vân",....
Nhạc sỹ Phó Đức Phương và ca sỹ Tùng Dương. |
Ở dạng đề tài nào, ông cũng chạm tới đỉnh cao của nó, thậm chí là những bài "địa phương ca" như "Nha Trang thu". Sự tìm kiếm, quăng quật bản thân hết mình, không sợ lố bịch, không sợ lẻ loi đã khiến ông đi trước và đi xa so với bạn đồng lứa, kể cả là trên con đường tìm về với những giá trị rất xưa cũ như "Về quê".
"Đừng sợ hiểu lầm - đừng sợ thiệt"
Đột ngột và thản nhiên , ông dừng tất cả những đam mê, tìm kiếm cá nhân của mình lại khi đang ở đỉnh cao, để cùng một vài người bạn lập "Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam".
Bão tố thị phi nhanh chóng ập xuống đầu ông từ những giấy báo đòi tiền bản quyền mà Trung tâm gửi đến các bầu show ca nhạc, các hãng băng đĩa, các quán karaoke, kể cả các lãnh đạo đoàn nghệ thuật nhà nước, các đài phát thanh truyền hình và các ca sĩ nổi tiếng.
Tâm lý "tôi hát/thu/phát hộ ông bà là may mắn cho ông bà lắm rồi" tồn tại như một sự phi lý được thừa nhận lâu nay trong xã hội bị Phó Đức Phương và các luật sư - nhạc sỹ ở trung tâm của ông công phá tận gốc rễ đã khiến ông thành kẻ tội đồ, thành người bị xa lánh.
Nhưng tin đồn dai dẳng "Trung tâm chỉ thu phí không chi trả" , "ông Phương thu nhiều trả ít" giăng mắc hàng chục năm trong showbiz khiến các đồng sự của ông phát điên. Ông chỉ im lặng: "Mình không làm gì trái với anh em nhạc sỹ, với lương tâm là được".
Cho đến khi ông rời chức Giám đốc Trung tâm, hàng trăm tỷ tiền tác quyền đã được thu và trao tận tay các nhạc sĩ, cuối cùng người ta phải vỡ ra: Ông Phương vẫn sống như thế, nghèo thế và ngạo thế trong căn nhà bé xíu tận cuối một ngõ hẻm ngoắt ngoéo của Hà Nội, một căn nhà mà xe hơi không bao giờ vào được.
Vĩnh biệt Phó Đức Phương, một tài năng và một nhân cách âm nhạc lớn của thời đại chúng ta, người viết nhớ mãi hai hình ảnh: Một là ông Phương ngồi trong cánh gà sân khấu "Duyên dáng Việt Nam" năm 1996, khi Mỹ Linh còn chưa được biết đến, bật ngón tay hát theo Mỹ Linh khi cô tập "Trên đỉnh Phù Vân" hiền hậu và hạnh phúc khôn tả; và một hình ảnh đọc được trong tàng thư: khi toà đại hình Pháp xử tử các chí sỹ trong khởi nghĩa Yên Bái, tất cả các ông lên máy chém bị bắt nằm sấp. Riêng ông Phó Đức Chính kiên quyết nằm ngửa, mắt mở trừng trừng nhìn máy chém phập xuống.
Ông Phương xác nhận câu chuyện đó, và cười: "Họ nhà tôi thế mà".
Tang lễ và nơi an táng của nhạc sỹ sẽ được gia đình thông báo sau.