Cuối tuần qua, gia đình ông Hoàng Cao Mạnh, phố Đại La, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại có dịp quây quần với nhau trong không khí vô cùng ấm cúng. Con cháu ở gần cũng tới, ở xa tận Cần Thơ cũng về khiến ông bà không giấu nổi niềm vui. Suốt những ngày qua, căn nhà nhỏ rộn rã tiếng cười của trẻ nhỏ, tiếng chuyện trò của người lớn, tiếng gọi nhau làm việc nhà. Sau khi làm cơm cúng tổ tiên, mọi người cùng hàn huyên. Trong bữa cơm đầm ấm ấy, anh con cả kính cẩn đại diện cho các anh chị em, con cháu trong nhà kính chúc ông bà sức khỏe, thượng thọ để làm điểm tựa tinh thần cho con cháu. Ông bà đáp từ và mong muốn con cháu sống hòa thuận, thương yêu nhau.
Lễ Vu lan xuất phát từ đạo Phật, còn được hiểu là lễ báo hiếu, tưởng nhớ công ơn của cha mẹ và tổ tiên, trong đó thông điệp ý nghĩa nhất là tưởng nhớ đến mẹ. Lễ Vu lan cũng kế thừa đạo hiếu của người Việt từ hàng nghìn năm qua. Vì vậy, trên cơ sở của đạo Phật kết hợp với đạo lý truyền thống của Việt Nam nên lễ Vu lan ngày càng phát triển nhanh. Người Việt Nam vốn coi trọng hiếu nghĩa với các bậc sinh thành, các bậc tiền bối và mùa Vu lan càng nhắc người ta coi trọng đạo lý này hơn. Đây cũng là dịp để mọi người thể hiện những nghĩa cử, sự chân tình, biết ơn đến cha mẹ, tổ tiên bằng những việc làm ý nghĩa.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, nhiều người lầm hiểu lễ Vu lan tưởng nhớ cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất bằng những lễ nghi sang trọng, mâm cao cỗ đầy, đồ vàng mã chất ngất thì đó là mê tín, dị đoan bởi trong đạo Phật không đốt vàng mã. Nếu việc làm đó thay bằng lễ vật bình thường và lòng thành tâm sẽ tốt hơn. Với những ai còn cha mẹ thì có nhiều cách thể hiện tình cảm, thậm chí chỉ cần con cái vui vẻ, sống kính trên nhường dưới, đùm bọc nhau thì cha mẹ đã hạnh phúc.
Xã hội ngày nay có không ít những chuyện buồn, vi phạm, mai một đạo hiếu, nhất là khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, mang theo nhiều hệ lụy. Cũng vì vậy, cần đề cao gìn giữ đạo đức gia đình, văn hóa xã hội để hình thành nên chuẩn mực xã hội, hướng con người ta tới chân - thiện - mỹ. Nhất là với Hà Nội, mảnh đất có chiều sâu văn hóa từ hàng nghìn năm, nơi nhiều giá trị nhân văn, di sản văn hóa được cả nước ngưỡng mộ. Thành phố cũng có nhiều hành động cụ thể để định hình nên những giá trị mới trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa cũ, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội.
Tại nhiều ngôi chùa ở Hà Nội, dịp này đều tổ chức lễ Vu lan với sự tham gia của hàng trăm, thậm chí của hàng ngàn phật tử và người dân. Họ tham gia khóa lễ với lòng thành kính nhằm cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên cũng như cầu phúc cho những người thân trong gia đình.
Tối 14/8 (tức 14/7 âm lịch), Tổ đình Phúc Khánh, quận Đống Đa, tổ chức đại lễ Vu lan với sự tham dự của hàng ngàn người, ngồi kín cả khuôn viên chùa. Mọi người thành tâm tụng kinh, cầu nguyện trong hàng giờ đồng hồ và cùng thả hoa đăng để cầu bình an, sức khỏe cho người thân của mình.
Tại chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), chùa Tảo Sách, chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), chùa Liên Phái (quận Hai Bà Trưng)... cũng tổ chức lễ Vu lan với sự trang nghiêm, thành kính.
Nhìn chung, các chùa đã hạn chế đốt vàng mã, hướng phật tử và người dân tham gia hành lễ văn minh, lành mạnh theo đúng tinh thần của Phật giáo. Việc làm đó nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người, bởi họ hiểu sự thành tâm trong lễ Phật mới là điều quan trọng.
Trong góc độ gia phong của mỗi gia đình cũng như đạo đức xã hội nói chung, đạo hiếu luôn được đề cao và gìn giữ qua nhiều đời nay. Đạo hiếu góp phần tạo nền tảng văn hóa tinh thần người Việt Nam và cũng là động lực cho sự thúc đẩy xã hội phát triển tốt hơn.