Con sâu muồng – Ảnh: Trần Thảo Nhi.
Cây muồng thường được bà con trồng xen trong vườn cà phê, trồng ở bìa rẫy, bờ lô cà phê vừa để chắn gió vừa để sử dụng bóng mát.
Mùa sâu muồng chỉ kéo dài trong khoảng tháng 3, tháng 4. Bởi khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, những con nhộng muồng đã thoát xác thành bướm bay đi… Vào thời điểm này, người dân tộc Xê Đăng ở huyện Đắk Hà tổ chức đi săn nhộng, kén sâu muồng về ăn.
Sâu ăn lá muồng có màu xanh đậm, mình nhỏ, lưng màu nâu vàng, hai bên mình có sọc màu nâu thẫm, da trơn… Loại sâu này thường ăn lá muồng nên người dân địa phương quen gọi là sâu muồng.
Sâu muồng không phủ trên mình lớp lông như các loài sâu thường thấy mà da trơn, di chuyển bằng cách cong thân hình lại rồi tung đầu ra phía trước. Bất cứ lúc nào những chú sâu cũng có thể “nhảy dù” trêu người đứng gần chúng. Tuy nhiên, bạn yên tâm vì sâu muồng không gây ngứa.
Khi trời nắng nóng, sâu muồng ép sát thân mình vào cây muồng hòa lẫn trong sắc xám đen của vỏ muồng, người đi săn phải tinh mắt mới nhìn thấy các chú sâu đang ẩn náu trên vỏ cây.
Khi sâu muồng trưởng thành, chúng bắt đầu kéo kén và hình thành con nhộng. Đây là thời gian ngủ và chờ đợi tái sinh, để cuối cùng trở thành con bướm bay lượn khắp bầu trời Tây Nguyên với cặp cánh vàng lung linh.
Nhộng sâu muồng rang chín có màu vàng ươm, thơm lừng như châu chấu rang, vỏ ngoài giòn giòn, ăn ngậy, béo và bùi tựa như nhộng tằm nhưng thơm hơn và không ngấy.
Sâu muồng xào ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng. Người chưa quen ăn lúc đầu có phần e dè, nhưng ăn rồi thì nghiền luôn bởi khó có thể cưỡng lại vị ngọt ngon của món ăn này.
Sâu muồng, nhộng sâu muồng vốn chỉ là món ăn dân dã của người Xê Đăng giờ đã trở thành đặc sản của núi rừng Tây Nguyên, món ăn được rất nhiều người ưa chuộng.
Ông A Nel, ở làng Kon Gu1, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, cho biết nhộng sâu muồng và sâu muồng xào sả ớt là món ăn ngon bổ, được mọi người ưa thích và còn giúp tăng sức đề kháng bệnh sốt sét.