Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau...

Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau...

TP HCM, một sớm se lạnh, đương lúc nắng vàng len kẽ lá, tôi nhắn: “Hỏi rằng: người ở nơi đâu?”. “Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà”. Gần như cả năm, nhà thư pháp Bùi Hiến “mắc kẹt” nơi Hội An. Tôi chợt nhớ mấy bận ghé nhà ông bên chợ Bà Chiểu, nhiều lúc, bên thềm nhà, ông bày mực giấy thi triển ngón nghề thư pháp của mình, khi nắng đương xuân thì, như sớm nay.

_____________________

Mà Bùi Hiến hơi khác lạ so với nhiều nhà thư pháp mà tôi biết, gặp gỡ, là ở cái chỗ… uống trà, ông không cầu kỳ, kiểu cách. Một chút lãng đãng, một chút lãng mạn quẩn quanh máu nghệ sĩ. Nên những khi trà dư tửu hậu với ông, tôi rất thật với tôi như vốn lẽ. Bởi vậy, nhiều lúc ông… bỏ mặc tôi với những ý nghĩ của riêng tôi, để phần mình, ôm đàn say sưa hát thơ Bùi Giáng.

1. Là người có họ hàng với nhà thơ Bùi Giáng, nhưng so với bạn bè trang lứa thời ấy, ông thừa nhận mình biết đến người em họ với “tư cách” là nhà thơ, mà là nhà thơ nổi tiếng, rất trễ. Rồi chính những người bạn ấy, đưa ông đến cõi thơ của “trung niên thi sĩ”, để rồi mê đắm đến giờ. Tôi không nhớ rõ có bao nhiêu ý niệm xung quanh thơ của Bùi Giáng, chỉ biết rằng chữ “duyên” hiện hữu rất nhiều, theo nhiều chiều kích khác nhau.

Người đưa Bùi Hiến đến với thế giới thơ Bùi Giáng là nhà thơ Tuấn Cưu, là người bạn, người đồng hương. Trên văn đàn, cái tên Tuấn Cưu như nốt trầm lặng. Nhưng sự lặng lẽ của ông, là dành tất thảy cho tìm tòi, nghiên cứu về thơ, và cuộc đời của Bùi Giáng. Suy cho cùng, sống như vậy cũng là đủ vui. Ngồi nghe họ nói chuyện, mới biết cả hai khoác vai nhau đi qua tuổi trẻ, rong ruổi thanh xuân khoái hoạt đến nhường nào.

Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau... ảnh 1

Bùi Hiến sinh năm 1957, ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Cũng như người em họ tài hoa của mình, đời ông lang bạt mãi và có thể gọi là lấy đất Sài Gòn làm chốn dừng chân. Ông vào Sài Gòn từ rất nhỏ, theo ba mẹ vào. Cho đến gần tết năm 1993, ông mới làm chuyến ngược quê và ở mãi đến trung thu năm đó, mới trở về TP HCM. Trên tay ông khi ấy là một chiếc máy ảnh, ông chụp để gửi cộng tác cho một số báo, cũng là cách để ông kiếm “lộ phí” cho chuyến lãng du của mình. Về quê, ông được bạn bè gợi ý, nên làm triển lãm ảnh “Quảng Nam yêu thương - phong cảnh và con người”. “Ban đầu, triển lãm làm ở Duy Xuyên. Xong, thì mang ra Đà Nẵng triển lãm tiếp trước khi mang vào Hội An” - ông nhớ lại. “Triển lãm lần ấy thắng hay thua?” - tôi hỏi. Ông cười: “Thua là cái chắc. Có bán mua gì được đâu. Mình làm vì mê thôi. Bây giờ, mấy chục năm trôi qua, còn nhớ mấy đêm triển lãm phải nằm ngủ ở bờ biển Đà Nẵng đây nè”. Rồi cả hai phá lên cười.

“Nhưng mà thắng thua kiểu đó cũng khó phân định lắm, mà tôi nghĩ là duyên đúng hơn” - ông níu tôi lại bằng câu tò mò khi ấy. Hóa ra, khi ông triển lãm ảnh ở Đà Nẵng, thấy người ta viết thư pháp. Rồi khi vào làm triển lãm ở Hội An, lại thấy người ta viết thư pháp nữa. Nhưng quan trọng hơn, những điều đấy đến với ông “rất lạ”. Và từ cái lạ ấy, ông lần mò từng bước chân vào địa hạt thư pháp để rồi nhận ra rằng, đây mới là thứ hợp với mình chứ không phải là ảnh như trước kia! Từ đó, ông bỏ hẳn ảnh, chuyển qua chơi chữ và vẽ tranh thủy mặc.

2. Tôi chợt nhớ về Đêm thơ Bùi Giáng cách đây vài năm, đó là lần đầu tiên tôi gặp nhà thư pháp Bùi Hiến, nếu như nhà thơ Tuấn Cưu sẻ chia những câu chuyện về thơ, về cuộc đời Bùi Giáng. Thì Bùi Hiến, bằng ngón nghề guitar điêu luyện và giọng trầm ấm của mình, đã đưa cả khán phòng phiêu từ cung bậc này, chạm đến cảm xúc khác qua những ngân nga thơ Bùi Giáng, nhất là bài “Người đi đâu”: “Bàn chân bước người đi về một thuở/ Lá phân vân bờ bến cát sương rung/ Trời khuya khoắt phiêu du trăng bỡ ngỡ/ Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng/ Bóng trắng xa bay về em có thấy/ Cuối phương ngàn rừng núi mộng trong sương/ Dòng sông đục dòng xưa sông sóng dậy/ Nghe triền miên nức nở lệ lên đường/ Một tiếng nói một nụ cười chợt tắt/ Hết mấy phen buồn trở lại bên đời/ Đồng ruộng cũ màu trôi trong cỏ nhặt/ Dưới bình minh rạ xám gốc trơ phơi/ Trời vi vút én liệng vòng hớt hải/ Đi đi em nguồn dậy mộng chiêm bao/ Về thao thức canh chầy tìm trở lại/ Bốn chân trời người đứng ở nơi nao/ Màu con mắt bên màu xuân xiêu đổ/ Ở bên kia nhìn trở lại bên này/ Gió lay lắt bốn phương về dồn tụ/ Bụi thu mờ ai phủi với hai tay...”.

Khi tôi hỏi, rằng ông ngâm thơ hay hát thơ Bùi Giáng? Bùi Hiến bảo rằng ngâm cũng được mà hát cũng xong. Chỉ biết rằng, khi ông ngồi ôm đàn và cất lên những ngôn từ trong thơ Bùi Giáng, thì để mặc cảm xúc tung bay. Và trong từng thớ cảm xúc đang thăng hoa ấy, khái niệm “hát” và “ngâm” với ông không còn quan trọng nữa. Mà chỉ duy nhất một điều ông nghĩ tới: đọng lại gì trong tâm hồn người yêu thơ Bùi Giáng sau khi nghe ông xướng ca! “Với lại, thơ Bùi Giáng được phổ nhạc, nên có chỗ mình gọi là “hát” cũng không sao” - ông bay tỏ.

Bùi Hiến bảo rằng mình biết chơi đàn và ngâm thơ từ rất sớm, sớm hơn nhiều so với thư pháp. Nhưng để gọi là cảm được, để ngâm thơ Bùi Giáng chạm đến cảm xúc trái tim người nghe, thì phải sau khi ông bắt gặp triết lý nhà phật. “Bởi thơ Bùi Giáng có tính thiền rất nhiều” - ông giải thích. Tôi nghĩ điều ông nói không sai. Chỉ cần biết đánh đàn và có chất giọng tốt, là đã ngâm được thơ. Nhưng muốn ngâm thơ hay, mà dấy lên được cái hồn cốt của thơ, thì phải là người am hiểu thơ đó. Và Bùi Hiến, đã chạm được cảm xúc trong thơ Bùi Giáng bằng hành trình như vậy. Để rồi từ khi Bùi Giáng mất vào năm 1998, thì hằng năm, vào ngày giỗ Bùi Giáng; hay các dịp thơ nhạc Bùi Giáng, người ta hay thấy xuất hiện Bùi Hiến với mái tóc dài ôm chiếc guitar và phiêu trong cõi thơ Bùi Giáng, rất bồng bềnh!

Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau... ảnh 2

3. Như đã đề cập ở trên, sau cuộc triển lãm ảnh ở Hội An năm 1993, từ tò mò, ông tìm thấy đam mê qua từng nét vẽ thư pháp. Nhưng không có điều kiện, ông phải tự mày mò học viết. Rồi khi vào lại Sài Gòn, ông đến mấy xưởng dệt của người Quảng ở khu Bảy Hiền, để xin vải giấy (một loại vải gần giống với giấy viết thư pháp - PV) ở các trụ khung cửi để về tập viết. Ông tập riết đâu chừng được 5 năm, tức là năm 1998, thấy “tay nghề” ổn bèn ra đường phố Sài Gòn để viết chữ bán. “Ban đầu họ thấy lạ, nên dừng lại mua. Sau, bị mấy bà bán cà phê… đuổi vì chiếm chỗ, nên mình chạy qua chỗ khác ngồi vẽ” - ông nhớ lại. “Hồi đó ông hay viết chữ gì?” - tôi hỏi. Ông trả lời: “Chỉ loanh quanh mấy chữ “Tâm”, “Nhã”, “Đức” mà thôi”. Tôi tiếp: “Khi ấy ông viết thơ Bùi Giáng chưa?”. “Rồi. Viết rồi chớ” - ông đáp lời rất nhanh, rồi thêm vào: “Nhưng thú thật, khi ấy mình chưa hiểu, chưa ngộ, chưa chạm được lớp sâu của thơ Bùi Giáng, nên mình viết thơ Bùi Giáng không “đã” lắm”.

Suốt nhiều năm liền, ông được các trường đại học mời làm triển lãm thư pháp thơ Bùi Giáng. Còn việc ngồi viết chữ ở ngoài đường, ông bảo mình bỏ hẳn từ năm 2007 đến giờ. “Vì sao?” - tôi hỏi. “Nhiều lí do lắm. Nhưng quan trọng nhất, là dần dà cuộc chơi đó không còn vui nữa” - câu trả lời của ông chìm trong làn khói thuốc trắng đục. Cuộc chơi không còn vui mà ông nói, là cuộc chơi xin - cho chữ. Ông kể, trước đó, người đến xin chữ rất am hiểu về chữ nghĩa thơ ca. Nên bày biện thêm ấm trà, ly tách. Họ vừa uống trà, vừa đàm đạo chuyện chữ nghĩa. “Viết chữ mà được đàm đạo như thế mới đã” - ông nhiều lần nhấn mạnh. Rồi sau này, người đến xin chữ, chính xác hơn là mua chữ, không có được tinh thần ấy, ông buồn lòng, mang bút nghiêng về xếp nơi gác nhà.

“Nhưng không phải là mình bỏ hẳn viết thư pháp” - ông như phân trần. Mà giờ ông chỉ viết tặng bạn bè, hoặc những người mến mộ tài đức ông tìm đến, hay trong các chương trình thơ nhạc Bùi Giáng. Tôi hỏi ông thích nhất câu nào trong thơ Bùi Giáng, ông bảo nhiều, rất nhiều, nhưng trên hết vẫn là câu “người đi tôi cũng đi qua/ người dừng tôi cũng qua loa tạm dừng”.

Và, trong dịp tôi đến chơi nhà, ông bày biện bút nghiêng viết tặng tôi câu đấy. Tôi hiểu, đó không phải sự ngẫu nhiên, mà ít gì đã phải trải qua cuộc chiêm nghiệm mà cả cuộc đời ông đã đi qua, rồi ngâm nga: “Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau/ Tóc xanh dù có phai màu/ Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng...”.

Bài: Lê Xuân Thọ

Thiết kế: Thúy Hà

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.