Mũi nhọn trong chiến lược với Trung Quốc năm 2021 của chính quyền Biden

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc là tâm điểm trong chính sách với châu Á của chính quyền Tổng thống Biden nhưng không phải là tất cả khi ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo này là tập hợp và củng cố đồng minh.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính sách với Trung Quốc năm 2021

Tổng thống Joe Biden đã tăng cường nhân lực cho đội ngũ về chính sách đối ngoại bằng việc bổ nhiệm một số chuyên gia về châu Á - một động thái mà các nhà phân tích cho rằng là dấu hiệu thể hiện những nỗ lực của Mỹ nhằm khẳng định vị thế trong khu vực giữa bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Chính quyền ông Biden đã xác định việc Trung Quốc trỗi dậy và ngày càng quyết đoán là một trong những thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các đồng minh trong việc phản ứng trước sự cạnh tranh chiến lược mà Bắc Kinh tạo ra.

Một số nhà phân tích nhận định, việc bổ nhiệm ông Kurt Campbell là người điều phối phụ trách các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh Quốc gia đã cho thấy ý định của ông Biden nhằm tập trung hơn vào khu vực này và thúc đẩy quan hệ với các đồng minh ở đây.

Ông Campbell là nhân vật đã quen thuộc với nhiều chính phủ ở châu Á khi ông từng là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Obama. Cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, ông Campbell được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách với châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc của chính quyền ông Biden.

"Chính sách với Trung Quốc năm 2021 tôi nghĩ tất cả sẽ xoay quanh việc củng cố đồng minh", Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay.

"Vì thế, theo tôi, Ngoại trưởng Antony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Sullivan và ông Kurt Campbell sẽ dành nhiều thời gian của họ không phải tập trung vào việc đàm phán với Trung Quốc mà là hợp tác với các đồng minh ở châu Á và châu Âu về những vấn đề liên quan đến Trung Quốc", chuyên gia này nhận định.

Điều đó hoàn toàn trái ngược với hướng tiếp cận của Tổng thống Trump, một chiến lược đối đầu đơn phương với Bắc Kinh, vốn thu được rất ít kết quả thực tế, ông Kennedy bình luận.

Chiến lược tiềm năng của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Trong khi chính quyền ông Biden vẫn chưa vạch ra một kế hoạch cụ thể về chính sách đối ngoại ở châu Á thì ông Campbell đã đề xuất một số quan điểm về vấn đề này trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs vào tháng trước.

Bài bình luận này được công bố ngày 12/1, chỉ 1 ngày trước khi thông tin về việc bổ nhiệm ông Campbell được công bố và khoảng 1 tuần trước khi ông Biden chính thức tuyên thệ. Bài viết này nói rằng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ đối mặt với 2 thách thức "cụ thể": thứ nhất là sự trỗi dậy của kinh tế - quân sự Trung Quốc và thứ hai là sự rút lui của Mỹ.

"Sự kết hợp giữa lập trường quyết đoán của Trung Quốc và tính chất mâu thuẫn trong quan điểm của Mỹ khiến khu vực này sẽ biến động không ngừng", ông Campbell viết.

"Nếu chính quyền tiếp theo của Mỹ muốn bảo vệ hệ thống vận hành tại khu vực này, vốn tạo ra sự hòa bình và thịnh vượng chưa từng có, nước này cần bắt đầu đánh giá lần lượt từng xu hướng này".

Bài bình luận trên cũng phác thảo 3 chiến lược mà Mỹ sẽ thực hiện trong những năm tới.

Về quân sự, Washington sẽ dịch chuyển từ "sự tập trung đơn lẻ vào tính ưu việt" và "những hệ thống đắt đỏ dễ bị phá hủy", chẳng hạn như các tàu sân bay, sang việc đầu tư vào "những phương tiện không quá đắt đỏ”, chẳng hạn như tàu tuần tra, tên lửa đạn đạo và tàu ngầm - những phương tiện có thể "gây thách thức với những tính toán của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải nhìn nhận lại về những hành vi khiêu khích liều lĩnh của mình".

Thứ hai, Mỹ sẽ nghiêm túc hơn về việc tái can dự vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Điều đó sẽ được Mỹ thể hiện tại các Hội nghị Thượng đỉnh và sự hợp tác ngày càng gia tăng với các quốc gia trong khu vực, cũng như nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh hành động tuân theo các quy tắc.

Cuối cùng, Washington sẽ linh động trong việc xây dựng mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực. Điều đó tức là các tổ chức và các thể chế sẽ tập trung vào những vấn đề cụ thể, thay vì hình thành một "một liên minh lớn" xử lý mọi vấn đề.

Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Biden

Tổng thống Biden và đội ngũ của ông đã bắt đầu kết nối với các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuần trước, ông Biden đã trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và tuần này ông cũng đã điện đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.

Trong khi đó, ông Blinken cũng trao đổi với một loạt người đồng cấp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philppines và Thái Lan ngay sau khi nhậm chức.

"Ưu tiên hàng đầu của đội ngũ ông Biden là tiếp cận với các đồng minh của Mỹ và các quốc gia quan trọng ở châu Á trong nỗ lực thúc đẩy các cam kết ngoại giao và an ninh của Mỹ trong khu vực", các nhà phân tích cho biết.

"Bước đầu tiên trong hướng tiếp cận với Trung Quốc sẽ là tập trung vào việc thúc đẩy các mối quan hệ trên và xây dựng các liên minh".

Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẵn sàng hợp tác với chính quyền Mỹ mới để đưa quan hệ 2 nước "quay lại đúng hướng"./.

Theo VOV
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.