Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm nay dự kiến họp khẩn với quan chức Ukraine tại trụ sở ở Brussels, Bỉ để bàn về vụ ba tàu chiến nước này bị Nga bắt gần eo biển Kerch. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, bày tỏ sự ủng hộ với Kiev trong cuộc đối đầu này, AFP đưa tin.
Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea. "Chúng tôi trông đợi Moskva khôi phục quyền tự do đi lại ở eo biển Kerch, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế để tránh gây leo thang căng thẳng", EU ra thông cáo cho hay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi điện thoại cho Tổng thống Poroshenko, khẳng định sẽ làm mọi thứ để giải quyết tình trạng đối đầu giữa hai bên. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đề xuất tăng cường cấm vận nhằm vào Moskva, lên án "hành động hung hăng" của Nga trên Biển Đen.
Chính phủ Anh ra thông cáo phản đối hành động bắt tàu chiến Ukraine, khẳng định đây là "bằng chứng cho thấy hành vi gây bất ổn của Nga trong khu vực".
Các tàu chiến Ukraine bị giữ tại cảng Kerch hôm 26/11. Ảnh: TASS. |
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế, đề xuất hai nước "giải quyết bất đồng và đi đến thống nhất bằng biện pháp đối thoại".
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hôm qua cáo buộc ba tàu hải quân Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga trên Biển Đen mà không tuân thủ quy trình, cũng như có hành động gây hấn và di chuyển nguy hiểm gần các tàu tuần tra Nga. Tàu cảnh sát biển Nga phải sử dụng vũ khí và biện pháp đâm húc để buộc nhóm tàu Ukraine dừng lại, sau đó bắt cả ba chiếc và áp giải về cảng Kerch trên bán đảo Crimea.
Moskva đã triệu đại biện lâm thời Ukraine tại Nga, cáo buộc Kiev cố tình gây hấn trên Biển Đen. Quan chức Nga cho biết nước này đã mở cuộc điều tra hình sự về hành động "xâm phạm biên giới" của chiến hạm Ukraine, đồng thời thẩm vấn thành viên thủy thủ đoàn trên các tàu bị bắt.
Quan hệ giữa Moskva và Kiev trở nên căng thẳng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine từ năm 2014. Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai, nhưng Điện Kremlin bác bỏ.
Vị trí biển Đen và Biển Azov. Đồ họa: Madhouse News. |