Trong bối cảnh lực lượng an ninh thẳng tay đàn áp làn sóng biểu tình, nhiều người Myanmar bên cạnh việc đổ ra đường phản đối đảo chính đã chọn cách không đi làm như một cách phá hoại các lợi ích kinh tế của chính quyền.
Một "cuộc đình công im lặng" được kêu gọi vào ngày 24/3 khiến doanh nghiệp bao gồm siêu thị và cửa hàng tiện lợi đóng cửa. Chính quyền quân sự đã phải can thiệp để các dịch vụ này tiếp tục hoạt động.
Vào ngày đình công, chính quyền ở Yangon đã gọi hàng chục quản lý và nhân viên của City Mart, chuỗi siêu thị lớn nhất Myanmar, đến văn phòng thành phố. Tại đây, họ đã bị thẩm vấn trong hơn 24 giờ để khai ra lý do tại sao đình công và ai là người chủ mưu hành động này.
Các nhân viên buộc phải ký cam kết thông báo cho chính quyền về mọi kế hoạch đóng cửa các chi nhánh.
Sự sụt giảm hoạt động kinh doanh đã ảnh hưởng đến các tiểu thương, chẳng hạn như một người bán trái cây ở một khu vực của Yangon hiện đang bị thiết quân luật. Người đàn ông 63 tuổi cho biết: “Bình thường xe cộ qua lại đông đúc, nhưng dạo gần đây tôi hầu như đóng cửa vào buổi trưa vì không có khách".
Trong khi đó, các luồng hàng hóa quốc tế đang cạn kiệt.
Trong tuần đầu tháng 3, Myanmar chỉ ghi nhận 252 triệu USD xuất khẩu và 254 triệu USD nhập khẩu, giảm 30% so với mức trung bình hàng tuần trong tháng 12 và tháng 1. Với việc nhiều quan chức hải quan và các doanh nghiệp vận tải tham gia cuộc đình công, "có rất nhiều container bị tồn đọng tại các cảng", đại diện một công ty hậu cần Nhật Bản cho biết.
A.P. Moller Maersk, công ty vận tải container lớn nhất thế giới, đã tạm ngừng hoạt động văn phòng và kho hàng tại Myanmar vào đầu tháng 3 để "đảm bảo an toàn về thể chất và sức khỏe tinh thần" cho nhân viên của mình.
Dòng tiền và vốn - huyết mạch của một nền kinh tế - chỉ khá khẩm hơn một chút. Doanh thu tổng thể của 6 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Yangon đạt trung bình 6,31 triệu kyat (4.400 USD) mỗi ngày trong 5 ngày giao dịch đến hết thứ Tư tuần này, giảm 85% so với tuần trước cuộc đảo chính và khó có thể tăng lên cho đến khi tình trạng hỗn loạn lắng xuống.
Ông Goto Shinsuke, Giám đốc điều hành công ty tư vấn quản lý Trust Venture Partners có trụ sở tại Yangon, cho biết: “Giao dịch chứng khoán ngày càng ít được quan tâm hơn".
Các chi nhánh của các ngân hàng tư nhân đã bị đóng cửa kể từ giữa tháng 2, ngăn cản khách hàng thực hiện các khoản rút tiền lớn hoặc chuyển khoản quốc tế.
Một số cây ATM đã được nạp tiền trở lại vào giữa tháng 3, nhưng khả năng rút được tiền vẫn bị hạn chế. Một số ngân hàng hôm thứ Ba đã hạ giới hạn rút tiền hàng ngày từ mức 500.000 kyat xuống 200.000 kyat theo quy định của chính quyền.
"Các công trường xây dựng đang thiếu tiền mặt và với tốc độ này, họ sẽ không thể tiếp tục hoạt động vì không thể trả tiền cho lao động", một quản lý công trình nói.
Theo truyền thông địa phương, ngân hàng trung ương Myanmar đã đe dọa phạt các ngân hàng hàng tuần nếu họ tiếp tục đóng cửa.
Cuộc đảo chính có nguy cơ làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kỷ lục của Myanmar trong thập kỷ qua, sau nhiều năm hứng chịu các lệnh cấm vận và chính sách kìm hãm phát triển kinh tế trong nước.
Tháng 10 năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng 5,9% trong năm nay. Tuy nhiên tình hình bất ổn đã khiến tổ chức này dự báo nền kinh tế nước này sẽ giảm 10%.
Kể từ khi Mỹ và các nước châu Âu bắt đầu nới lỏng và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vào năm 2012, tăng trưởng hàng năm của Myanmar thường rơi vào khoảng 5-8%.
Chuyên gia Shreeya Patel của công ty IHS Markit cho biết trong báo cáo: “Các cuộc biểu tình trên toàn quốc, đóng cửa nhà máy và bất ổn chính trị mang lại sự thụt lùi mạnh mẽ cho triển vọng tăng trưởng của ngành công nghiệp Myanmar".
Và khi các nền kinh tế lớn của phương Tây phản ứng với cuộc đảo chính bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế mới, tình hình tại Myanmar sẽ càng trở nên u ám.