Đây là ngày có số người thiệt mạng nhiều nhất kể từ khi cuộc đảo chính của quân đội nổ ra vào ngày 1/2. Truyền thông Myanmar đã đưa ra một cảnh báo vào tối thứ Sáu, tuyên bố rằng những người biểu tình nếu cố ý ra đường sẽ có nguy cơ bị bắn "vào đầu và lưng".
Mặc dù vậy, đám đông vẫn đổ ra các đường phố ở Yangon, Mandalay và các thành phố lớn khác, lực lượng an ninh cũng không ngần ngại sử dụng súng để trấn áp đám đông, tờ The Guardian đưa tin.
Trang tin trực tuyến Myanmar Now đưa tin vào cuối ngày thứ Bảy rằng số người chết trong ngày đã lên tới 114.
Các vụ giết người nhanh chóng thu hút sự lên án của cộng đồng quốc tế, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Myanmar đã đưa ra các tuyên bố đề cập đến việc giết hại dân thường hôm thứ Bảy, bao gồm cả trẻ em, theo AP.
"Ngày thứ 76 của lực lượng vũ trang Myanmar sẽ được khắc ghi là ngày của khủng bố và ô nhục", phái đoàn của Liên minh châu Âu tới Myanmar cho biết trên Twitter. "Việc giết hại thường dân không vũ trang, bao gồm cả trẻ em, là hành động không thể chối cãi".
Hãng thông tấn Reuters cho biết tại cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Lưc lượng Vũ trang, Thượng tướng Min Aung Hlaing đã hứa hẹn quân đội sẽ "bảo vệ nền dân chủ" và tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Quân đội Myanmar tuyên bố rằng họ đã phải nắm chính quyền vì cuộc bầu cử vào tháng 11, do đảng của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng, là gian lận.
Ngày Lực lượng Vũ trang kỷ niệm ngày bắt đầu cuộc kháng chiến chống Nhật Bản do lãnh tụ Aung San, người thành lập quân đội Myanmar, đặt ra. Những người biểu tình gọi ngày này bằng cái tên ban đầu của nó: "Ngày kháng chiến" và thề sẽ tiếp tục đấu tranh cho nền dân chủ.